Trang đời mới của những phận người “vô danh”

(PLO)- Nhiều trường hợp chưa có giấy khai sinh, ở tuổi xế chiều vẫn chưa được cấp căn cước nay đã được chính quyền hỗ trợ giải quyết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từng là nhân vật trong các bài viết về những người không có giấy tờ tùy thân được đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM, những phận người “vô danh” này đã được chính quyền địa phương hỗ trợ cấp giấy khai sinh, được định danh bằng thẻ căn cước.

Gia đình ba thế hệ đã được làm căn cước, giấy khai sinh

Vào những ngày cuối tháng 8, ông Võ Văn Sung (ngụ 280/94 Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, TP.HCM) gọi điện thoại cho chúng tôi vui mừng báo tin sắp tới cả gia đình ông sẽ được nhận thẻ căn cước.

Vậy là sau hơn 30 năm chờ đợi, cụ ông gần 70 tuổi đã được cấp thẻ căn cước. Dù ở tuổi xế chiều nhưng khi biết sắp có thẻ căn cước, ông Sung vẫn còn bao dự định về một tương lai ở phía trước.

Len qua con hẻm rộng khoảng 0,5 m, sau mấy lần hẹn chúng tôi mới gặp được ông bà trong phòng trọ nhỏ xíu, chất đống đồ đạc. Vừa gặp chúng tôi, ông Sung hỏi liền: “Có thẻ căn cước rồi thì có được mua nhà ở xã hội không?”.

phan nguoi vo danh.jpg
Vợ chồng ông Võ Văn Sung vui mừng cho biết đầu tháng 9 cả gia đình ông sẽ không còn chịu cảnh phận người "vô danh", được cấp thẻ căn cước. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ông Sung chia sẻ thêm về nguyện vọng của mình: “Tôi định góp tiền cùng các con mua nhà ở xã hội để chúng nó ổn định cuộc sống. Trước đây, cả nhà không ai có một tờ giấy lận lưng nên chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện mua nhà, giờ thì đã khác”.

Cầm tờ giấy hẹn lấy thẻ căn cước, ông Sung vui mừng: “Ngày 9-9, vợ chồng tôi và hai con sẽ được phát thẻ. Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất của gia đình tôi”.

Ông vốn sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, đến TP.HCM lập nghiệp đã hơn 30 năm nay.

Trước đây, ông cũng có nhà cửa, cũng được cấp CMND nhưng cuộc sống ở quê khi ấy quá khó khăn, gia đình ông quyết định rời quê, bán nhà, đến TP.HCM.

Vợ chồng ông làm đủ nghề từ công nhân xây dựng, phục vụ quán ăn đến chạy xe ôm… nhưng cuộc sống vẫn không hết khó khăn. Ở nơi đất khách, giấy tờ tùy thân mất hết, nhà cửa không có, cả hai con trai hơn 40 tuổi không có CMND/CCCD bởi không có nơi ở hợp pháp để đăng ký thường trú.

IMG_20240831_090239.jpg
Ông Sung vui mừng khi nhận món quà nhỏ từ Báo gửi tặng gia đình và cháu nội. Ảnh: Nguyễn Hiền

“Nhờ báo Pháp Luật TP.HCM là cầu nối mà giờ gia đình tôi được gỡ vướng về giấy tờ tùy thân. Hai đứa con tôi không còn cảnh phải thuê giấy tờ của người khác để chạy xe công nghệ. Vợ chồng tôi có thẻ căn cước rồi sẽ được mua BHYT và còn nhiều cái được nữa sẽ đến với cả gia đình sau khi có giấy tờ tùy thân” - ông chia sẻ.

Theo ông Sung, vui nhất là đứa cháu nội bốn tuổi. Cháu sinh ra không có giấy khai sinh không xin vô trường công được. Năm rồi ông gửi cháu ở nhóm trẻ, cứ sáng ra là bế cháu kèm ba hộp sữa xuống nhà cô gửi, chiều đón về, đóng 100.000 đồng. Hôm nào không có tiền thì để cháu ở nhà cho bà nội trông chừng.

“Giờ được cấp giấy khai sinh rồi, tôi xin được cho cháu vô trường mầm non của phường, đỡ tiền học phí lắm. Cháu sẽ đi học vào ngày 5-9. Thiệt tôi không biết cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM như thế nào” - ông Sung rưng rưng trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

An tâm tuổi xế chiều

Cách đây hơn ba tháng, ông Nguyễn Đức Minh (65 tuổi, ngụ phường 1, quận 3, TP.HCM) luôn canh cánh một nỗi lo trong lòng.

Ông Minh lo rằng đến cuối đời mà chưa có căn cước, con cái không làm được giấy khai tử cho cha hay đưa cha đi hỏa táng sẽ gặp khó khăn. Giờ đây nỗi lo ấy đã không còn khi ông đã được cấp căn cước, mua được BHYT khám chữa bệnh định kỳ.

bai_nguyenhien_ co giay_to_h2.jpg
Ông Nguyễn Đức Minh sau bao năm chờ đợi đã được cấp CCCD. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ông Minh từng là nhân vật trong loạt bài “Mở lối cho những phận người “vô danh”” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM vào tháng 6 vừa qua.

Câu chuyện không có giấy tờ tùy thân của ông Minh không phải vì không có nơi ở hợp pháp mà là do sai lầm của ông trước đây.

Hồi ấy ông cũng có giấy khai sinh, CMND như bao người khác. Đến năm 1980, ông có lệnh đi nghĩa vụ quân sự và có giấy báo gọi nhập ngũ. Thế nhưng khi ấy do hoàn cảnh khó khăn, vợ mới sinh con nên ông đã trốn nghĩa vụ quân sự và bị cắt hộ khẩu. Qua bao năm làm thủ tục nhập khẩu lại không được, ông không được cấp CCCD.

Ông Minh bị ung thư và đã cắt 3/4 dạ dày, bị tai biến và nhiều bệnh khác, lo lắng mình không may qua đời mà vẫn chưa được cấp CCCD nên đã tìm đến chúng tôi nhờ hỗ trợ.

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM tìm hiểu và liên hệ với các cơ quan chức năng thì ông đã được chính quyền địa phương hỗ trợ, đăng ký thường trú lại, cấp CCCD.

Cầm CCCD, thẻ BHYT trên tay, ông Minh nghẹn ngào: “Tôi thấy mình may mắn vì cuối cùng cũng được cấp CCCD. Hồi trước khi không có thẻ BHYT, mỗi lần khám tôi phải mất vài triệu đồng, giờ chỉ tốn vài trăm ngàn, đỡ gánh nặng rất nhiều. Tôi cảm ơn sự hỗ trợ của báo Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận hoàn cảnh của tôi, cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, cán bộ công an để tôi có được CCCD”.

Con đã được nhập học vào lớp 1

Mới đây, chúng tôi nhận được tin vui từ anh ĐĐP (ngụ phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM) rằng con gái sáu tuổi của anh đã được vào lớp 1. Còn nhớ cách đây vài tháng, anh P lo lắng, chạy khắp nơi làm thủ tục để con gái được cấp giấy khai sinh do người mẹ bỏ đi trong khi cả anh và mẹ cháu không đăng ký kết hôn.

p9_anh-box_bai-dd.jpg
Con anh ĐĐP đã có giấy khai sinh để vào lớp 1. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Sau khi hoàn cảnh của anh được chia sẻ trên báo Pháp Luật TP.HCM, UBND phường Bình Trị Đông A đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh của con anh. Sau đó, phường tiến hành xác minh một số thông tin tại địa chỉ nơi mẹ bé cư trú. Ít lâu sau, UBND phường gọi anh lên viết cam kết và làm thủ tục nhận cha cho con và cấp giấy khai sinh cho cháu.

“Mỗi người một hoàn cảnh và số phận như thế nào là do chính mình lựa chọn. Thế nhưng những đứa trẻ sinh ra, chúng không có quyền được lựa chọn cha mẹ cho mình. Chính vì thế, tôi mong rằng tất cả trẻ em khi mới sinh ra đều được làm giấy khai sinh. Còn người lớn có chọn sai thì sẽ chịu trách nhiệm với cái sai của mình. Đừng vì những éo le của các bậc cha mẹ mà ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ” - anh P chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm