Hàng loạt trang trại chăn nuôi heo, gà công nghiệp ở Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam bộ đang rơi vào cảnh cầm chừng, đóng cửa hoặc chuyển sang nuôi gia công cho các công ty. Lý do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, chi phí đầu vào tăng trong khi giá xuất bán lại không tăng dẫn đến thua lỗ.
Giá thức ăn chăn nuôi leo thang làm khó người chăn nuôi. Ảnh: QH |
Chăn nuôi khốn đốn vì giá cám
Nhiều trang trại cho hay giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi đã tăng 30%-40% so với trước đây. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trang trại gà quy mô lớn ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cho biết hiện trang trại của ông đã tham gia vào chuỗi chăn nuôi liên kết của một công ty. Tuy nhiên, giá cám tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp lên rất cao, trong khi giá bán trồi sụt thất thường. Chẳng hạn giá cám nuôi gà trước thời điểm dịch bệnh chỉ khoảng 9.000 đồng/kg thì hiện giờ đang tăng lên mức hơn 12.000 đồng/kg.
Ông Ngọc tính toán: Để nuôi 1 kg gà cần khoảng 1,7 kg cám, với giá cám như hiện nay tính riêng tiền cám chiếm tới 20.400 đồng cho mỗi ký gà công nghiệp. Cộng thêm tiền giống 3.000 đồng/con; tiền điện, nước, thuốc và chi phí khác khoảng 3.000-4.000 đồng/kg.
Như vậy, tổng chi phí nuôi gà công nghiệp hiện lên tới 26.400-27.400 đồng/kg. Trong khi đó giá bán gà hiện chỉ được các công ty mua vào ở mức 27.000-28.000 đồng/kg, tức gần như không có lợi nhuận.
“Với những trại nuôi gà tự do ở ngoài, không liên kết với doanh nghiệp thì chi phí chăn nuôi cao hơn. Vì vậy họ thua lỗ, buộc phải ngưng nuôi bởi nếu càng nuôi càng lỗ” - ông Ngọc nói.
Người nuôi heo cũng khốn đốn vì giá thức ăn chăn nuôi, nhất là giá cám tăng mạnh. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết chi phí cám chiếm tới 75%-80% chi phí chăn nuôi heo. Vì thế, khi giá cám tăng cao khiến nhiều người lỗ dẫn đến số lượng trại heo nuôi tự phát nhỏ lẻ giảm dần.
“Hiện giá heo hơi xuất bán tại trại chỉ khoảng 55.000-58.000 đồng/kg, dưới giá thành sản xuất. Cụ thể với giá thành nuôi heo hiện nay lên đến khoảng 60.000 đồng/kg, tính ra mỗi ký heo hơi bán ra người nuôi lỗ 2.000-5.000 đồng. Như vậy một con heo xuất chuồng 100 kg, người nuôi lỗ 200.000-500.000 đồng” - ông Công tính toán.
Không lo thiếu thịt gà
Trước lo ngại thiếu nguồn cung thịt gà và trứng do nông dân ngưng hoặc giảm tái đàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ Lê Văn Quyết cho rằng “không đáng lo”. Lý do hiện nguồn cung gà công nghiệp ở các trang trại nhỏ lẻ giảm mạnh nhưng nguồn cung từ các trang trại quy mô lớn và của các doanh nghiệp lại tăng lên.
Liên kết, tìm thức ăn thay thế
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng giá thức ăn chăn nuôi hay các chi phí đầu vào khác đều tăng mạnh, vì vậy giải pháp cho người chăn nuôi hiện nay là phải tham gia chuỗi liên kết.
“Chăn nuôi nhỏ lẻ tự phát, không theo tiêu chuẩn sẽ khó tồn tại. Trong khi đó các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn quy mô công nghiệp, bài bản nên giảm được chi phí, hạ giá thành” - ông Quyết chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cũng cho rằng phải có sự liên kết giữa các trang trại nhỏ để tự sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu thô nhằm giảm giá thành chăn nuôi. Đặc biệt cần chăn nuôi theo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp để an toàn dịch bệnh, chất lượng đảm bảo và ổn định đầu ra.
Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay bộ đang đẩy mạnh triển khai giải pháp tìm thức ăn thay thế để gỡ khó cho người chăn nuôi, bởi giá thức ăn chiếm tới 65%-70% giá thành trong chăn nuôi. Đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần thức ăn từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
“Các công thức từ nguyên liệu trong nước đã được nghiên cứu, nghiệm thu và có thể nhân rộng. Nhờ cách làm này, giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm 300-1.000 đồng/kg” - Thứ trưởng Tiến cho hay.•
Tìm cách giảm phụ thuộc nhập khẩu
Bộ NN&PTNT thừa nhận lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu trên thế giới. Để giải quyết bài toán này, Việt Nam cần phải hình thành vùng nguyên liệu theo hướng công nghệ cao, năng suất cao thì mới có thể giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng trước mỗi khó khăn, thách thức thì hệ sinh thái nhà nước, doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân cần gắn bó, chia sẻ với nhau để tạo sức mạnh chung. Vì vậy rất mong các doanh nghiệp không vội tăng giá thức ăn chăn nuôi để chia sẻ với nông dân, trang trại.