Tuy nhiên, ở một góc độ khác ông Thành cũng cho rằng tranh bích họa cũng phản ánh nhu cầu của xã hội hiện nay rất muốn có các công trình mỹ thuật, công trình nghệ thuật phục vụ công cộng. Thực tế đây là điều rất thiếu, ít công trình công cộng phục vụ người dân.
Xuất phát từ nhu cầu đó, rất nhiều tranh bích họa đã được sáng tạo từ những bức tường sâu trong ngõ phố cho đến những thênh thang đường rộng, từ công sở cho đến trường học… bích họa cứ thế ra đời. Ý nghĩa lớn nhất để rất nhiều người cầm cọ vẽ lên những bức tường xám xịt là khoác lên bức tường rêu phong với chằng chịt “vết sẹo” một bộ mặt mới, thẩm mỹ hơn và hữu ích hơn.
Dẫu vậy, không phải bức tường nào cũng được khoác một tấm áo mới phù hợp. Có những bức tường khi được phủ lên màu mới thì trở nên kệch cỡm với môi trường, chưa kể đó còn là những bức tranh được sáng tạo bởi những cây cọ nghiệp dư, thiếu sự chuyên nghiệp và ý đồ nghệ thuật.
Bức vẽ trong dự án Nghệ thuật kiến tạo cộng đồng tại tập thể Học viện Phụ nữ Trung ương, phố Pháo Đài Láng, Hà Nội. Ảnh: NMH
Nói thêm về phong trào tự phát này, ông Vi Kiến Thành cho hay: “Vì nó là văn nghệ quần chúng, để cho người ta tự nhiên một chút”. Bởi thế, sự tự nhiên một chút đó đôi khi như một câu chuyện ngụ ngôn “Đẹp mà không đẹp” trong sách Tiếng Việt cũ. Mục đích là đẹp nhưng cái tạo ra lại không được như vậy.
Tương tự, dịp cận Tết, nhiều tuyến đường của Hà Nội và các đô thị lớn lại rộn ràng trang trí với nhiều hình thức khác nhau. Đèn rực rỡ, nhấp nháy đủ màu sắc. Nhiều hình khối được dựng lên mà người xem không thể liên tưởng được cái mà nó tạo ra chứ chưa nói đến ý nghĩa mà hình khối đó tạo thành.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người có nhiều dự án về Hà Nội, trong một lần trả lời phỏng vấn đã lý giải nguyên nhân của tình trạng này là vì các chuyên gia về mỹ thuật chưa được trưng dụng để đóng góp ý tưởng, thiết kế. Dĩ nhiên con mắt của người làm quản lý không phải lúc nào cũng nhìn ra được cái đẹp, cái tầng sâu ý tưởng của các mẫu trang trí. Thành ra cái đẹp chỉ được hiểu một cách giản đơn là màu sắc sặc sỡ, họa tiết rối rắm.
Thế nên, mỗi khi nhìn ngắm những công trình trang trí phố chưa được đẹp do các cơ quan nhà nước thực hiện, chúng ta cũng hoàn toàn hiểu được những cái chưa đẹp từ sự tự phát của người dân.