Trước tình hình trên, ngày 6-3 -2015, đại diện VNA, ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của VNA, đã chính thức lên tiếng. Phát biểu trên Pháp Luật TP.HCM, ông Giang cho biết, với mục tiêu thành hãng hàng không tiêu chuẩn bốn sao vào năm 2015, VNA sẽ có những thay đổi làm mới hệ thống nhận diện thương hiệu như thiết kế lại trang phục, logo, trang thiết bị nội, ngoại thất máy bay, vật dụng trên máy bay...
Vì vậy VNA đang thử nghiệm, giới thiệu và lấy ý kiến hành khách về đồng phục mới của tiếp viên, phi công trên một số chuyến bay. Trong đó, “đồng phục mới của tiếp viên nữ vẫn giữ hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam được biến đổi theo hướng hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ nét truyền thống. Chất liệu vải đảm bảo yêu cầu về an toàn trên máy bay như không dễ bắt lửa, chống nóng, chống tĩnh điện, chống lạnh, dễ dàng di chuyển và tạo cảm giác thoải mái cho tiếp viên, phi công khi làm việc trong thời gian dài” - ông Giang nói.
Nhà thiết kế Minh Hạnh, người đảm nhận thiết kế bộ đồng phục này cũng đã lên tiếng trên báo Người Lao Động rằng: “Chiếc áo dài vẫn giữ đúng tinh thần vốn có, đó chính là sự kín đáo nền nã, nhẹ nhàng thanh lịch và vẫn rất gợi cảm. Tuy nhiên, áo dài đồng phục hàng không vẫn là chiếc áo bảo hộ lao động dịch vụ cao cấp và phải phục vụ hiệu quả cho công việc. Những chi tiết cổ và tay áo được cách điệu mạnh hơn tạo đường nét của đôi cánh tự do nhấn mạnh chữ V với ý nghĩa chữ Việt. Đồng phục mới này hoàn toàn “made in Vietnam” bởi được dệt và may hoàn toàn trong nước”.
Thế nhưng, những thông tin này vẫn không thể xoa dịu được dư luận mà còn tiếp tục thổi bùng lên những tranh cãi xung quanh bộ áo dài đặc biệt này.
Hàng trăm bình luận của bạn đọc gửi về PLO cho thấy, có sự “chia phe” rõ ràng: người không hài lòng, chê quá xấu, người lại tấm tắc khen đẹp nhưng cũng có người ôn hòa hơn, khen đẹp, năng động nhưng đề nghị cần “chỉnh sửa chút cho phù hợp”.
Không đẹp chút nào, nhìn buồn và không nổi bật
Đa số ý kiến theo “phe” này đều tập trung mổ xẻ chiếc áo dài cả về kiểu dáng, màu sắc, thậm chí độ ngắn dài của tà áo.
Bạn đọc Trần Lan “than thở”: “Trời ạ, nó cứng ngắc và xấu kinh khủng. Màu thì quá nhợt nhạt. Chỉ thích màu đỏ đô hiện tại mà thôi”. Hay “Đồng phục không đẹp và cổ áo không đặc trưng cho áo dài Việt Nam. Tôi cứ nghĩ nó lai một nước nào đó của Đông Nam Á” (Van Phong).
“Áo dài truyền thống có nét đẹp duyên dáng, quyến rũ và sang trọng. Với mẫu thiết kế mới này áo dài mang hơi hướng hiện đại nhưng quả thật không đẹp, làm mất dáng người mặc”, bạn đọc Phuc Hung cũng lên tiếng.
Trong khi đó, bạn đọc Tôn Nữ Hạnh Lynh lại gay gắt cho rằng: Áo dài mất gốc. “Áo dài đồng phục kiểu mới của Vietnam Airlines xấu quá! Mất đi nét đặc trưng và độc đáo của tà áo dài Việt Nam rồi. Màu sắc cũng xấu, không toát lên vẻ sang trọng chút nào” (Tra Mi).
Một bạn đọc khác cũng phản đối: “Thay đổi ít nhất nhìn phải đẹp hơn cái cũ nhưng mẫu mới xấu hơn hẳn mẫu cũ, kiểu dáng lai căng, tà áo quá ngắn, màu sắc nhợt nhạt, chẳng có chút gì ăn nhập với logo và hình ảnh đại diện của Vietnam Airline. Nên có thêm thời gian cho các nhà thiết kế khác tham gia, nhất là các nhà thiết kế trẻ đã khẳng định được tài năng và tên tuổi trong làng thiết kế Việt. Không nên chọn mẫu này”.
Bạn đọc Nguyet Hieu thì nhận xét: “Không thấy sự hài hòa của sắc tộc Việt Nam trong bộ áo dài này. Nếu đã đổi thì nên đổi sao cho đẹp hơn, có nét riêng hơn, độc đáo hơn nhưng vẫn mãi là Việt Nam đừng lai tạo như thế”.
Còn bạn đọc Hòa Phương lại đặt vấn đề: “Tại sao cho mặc thử để lấy ý kiến của khách hàng mà không lấy ý kiến của công chúng trước khi cho mặc chính thức? Khách hàng, đặc biệt là người nước ngoài, có thể vì lịch sự hoặc vì không rõ lắm về trang phục Việt Nam nên không thể đưa ra ý kiến chính xác được. Mẫu đồng phục cũ rất đẹp, tôn thêm vẻ duyên dáng, sang trọng và tươi vui. Mẫu đồng phục mới trông quê mùa, cục mịch và ảm đạm. Không cần có hoa văn, trông rối mắt”.
Nhiều bạn đọc nuối tiếc với tà áo dài thướt tha của VNA trong 15 năm qua.
Không, đẹp đấy chứ!
Ngược với xu thế chê “không thương tiếc” bộ đồng phục của VNA, trường phái khen cũng dùng mọi lý lẽ để bảo vệ bộ đồng phục này.
“Kiểu áo dài mới này nhìn năng động, gọn gàng đẹp”; “Đẹp, trang nhã, sang trọng, mang dấu ấn Việt Nam”; “Tôi thấy đẹp, đặc biệt cái cổ áo, trông nhẹ nhàng duyên dáng”; “Mình thấy đồng phục của TVHK Việt Nam không có chê ở đâu được rất đẹp. Vì tình chất công việc của tiếp viên hàng không nên nhà thiết kế đã thiết kế ra chiếc áo dài như thế để các cô thuận tiện trong việc phục vụ cho hành khách tốt hơn. Mình thấy chiếc áo dài vẫn giữ được nét duyên dáng vốn có chứ không bị mất đi thuần phong mĩ tục mà các bạn đã nói”.
Bạn anh tuan tran nhận xét ôn hòa: “Thật sự khi tôi nhìn đồng phục mới, tôi thấy đẹp, thiết kế và may rất hay có nét mới và sáng tạo. Do chúng ta nhìn áo dài truyền thống quen mắt rồi. Nếu ông cha ta không cải tiến áo dài thời xa xưa thì làm sao có áo dài ngày nay. Nên tôi thiết nghĩ cải tiến đồng phục là mới mẻ, sáng tạo”.
Trong khi đó, bạn yuly cũng không tiếc lời khen: “Màu áo rất đẹp và kiểu dáng cũng hiện đại gon gàng dễ di chuyển thuận tiện trong việc phục vụ. Sự thay đổi này rất hợp lý”. “Đồng phục mới trong rất đẹp, kết hợp truyền thống và một tí phá cách trông năng động hơn. Tôi ủng hộ cho đồng phục này” (Thytrang).
Cần thay đổi, nghiên cứu thêm
Trước làn sóng chê bai bộ đồng phục mới, có không ít bạn đọc cũng không đồng tình nhưng sẵn sàng đề xuất nhiều ý kiến đáng suy ngẫm.
Bạn đọc Nguyễn Thị Hồng Châu góp ý: “Mẫu áo quá đẹp, nhất là kiểu cổ áo, vừa giữ kiểu dáng cổ điển, vừa như có vẻ cách tân nhờ họa tiết, dù rất khó may, thật công phu. Chỉ xin đừng mặc nó với quần âu ống nhỏ vì thấy cứng và thô, nên mặc với quần lụa mềm, ống rộng tương đối (khoảng 20cm) sẽ tăng sự duyên dáng hơn. Rất mong hãng HK giữ nguyên mẫu áo đồng phục này”.
Bạn đọc Hoàng AliKim tha thiết nhắn nhủ: “Mọi người quen với trang phục trước đây rồi, nên khi có sự thay đổi thì khó chịu. Cảm quan của mỗi người là khác nhau nhưng thay đổi cũng cần thiết theo tiêu chí của ngành. Với một thương hiệu quốc gia như VNA cần chăm chút kỹ lưỡng hơn, chưa ai biết nội thất máy bay ra sao nên khó so sánh. Nhưng đúng là tà áo quá ngắn nhìn dễ nhầm lẫn với trang phục nước khác. Tôi cũng rất tin tưởng vào NTK Minh Hạnh nhưng cũng nên điều chỉnh lại chị Hạnh ơi. VNA rất cần nghe, điều chỉnh hợp lý để giữ vững màu cờ sắc áo của mình và không thể làm mất đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới mà VNA là một đại diện”.
Ảnh: Motthegioi.com
Trong khi đó, có nhiều bạn đọc lại đề nghị lấy màu hồng cánh sen và kiểu dáng cổ áo truyền thống Việt Nam vì nó mềm mại, mang đậm nét Việt Nam.
Bạn đọc Lê Trang đặt câu hỏi: “Sao không chọn màu hồng của bông sen? Một cái màu rất bắt mắt, vừa giúp người mặc có một dáng vẻ niềm nở, trẻ trung, lại khiến người nhìn cảm thấy vui lây; và quan trọng, cũng chính là màu của quốc hoa – biểu tượng mà Vietnam Airlines đã chọn”.
“Tôi thiết nghĩ thay nó bằng màu cánh sen là rất phù hợp vì nó sẽ tôn được nét đẹp của người mặc nó và giữ được nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam” (Trần Thu Nga).
“Mình thấy trang phục này đúng là áo dài truyền thống thật nhưng màu xanh của áo kết hợp quần trắng, đi giày đen hình như không có thẩm mĩ cho lắm, tà áo phần dưới không rũ mà thô và cứng. Mình không phải là dân thời trang nhưng mình nghĩ cần phải cách tân hơn một tí nữa về phần cổ áo, nếu người cổ cao thì có chân cổ sẽ rất đẹp nhưng người cổ không cao thì áo có chân cổ sẽ cảm thấy khó chịu mà công việc của tiếp viên đòi hỏi tính năng động nhưng phải dịu dàng thì tại sao không thiết kế chiếc áo cổ tròn hoặc cổ thuyền không có chân cổ, tay áo cần phải ngắn lên (tay loa hoặc tay ôm) chất liệu lưới pha cúp ngực, phần tà rũ hơn một tí (thay đổi chất liệu vải), màu có thể chọn màu hồng (hồng cánh sen nhạt sẽ trông tươi trẻ tràn đầy sức sống cũng như biểu tượng của quốc hoa (sen hồng), quần thì chọn cùng tông hoặc tông hồng đậm hơn (màu cánh sen) tạo độ chín chắn...”, bạn đọc tên Minh góp ý chân thành.
Bạn đọc Dung Luong cũng gửi gắm: “Việt Nam Airline đã mạnh dạn thay đổi để thích ứng với xu thế mới. Đó là việc làm rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, để được mọi người quan tâm, yêu mến và công nhận thì nên giới thiệu rộng rãi, quảng bá việc làm này ngay từ lúc bắt đầu. Màu sắc, kiểu dáng, . . . đều không phải là yếu tố quan trọng. Việc cần chú ý là cách làm để bộ trang phục mới khi ra đời được thì trước tiên nó phải được nhân viên toàn ngành hàng không yêu mến vì đó là biểu tượng đặc trưng mang ý nghĩa của ngành; sau đó mới tiếp tục lắng nghe đến ý kiến góp ý từ nhiều ngành khác. Nếu xét thấy phù hợp với tiêu chí đã đặt ra thì hãy tiếp thu và mạnh dạn thay đổi để càng đẹp hơn, nếu không thì thôi. Chúc Viet Nam Airline ngày càng vươn xa!”.
**************
NTK Minh Hạnh tâm đắc cho rằng thiết kế đồng phục mới lần này đã tạo ra được chất liệu độc quyền bằng những dấu ấn riêng của Vietnam Airlines. Cụ thể, không chỉ chất liệu áo dài có dệt nổi hoa sen mà ngay cả sơ mi trắng của nam phi công và tiếp viên cũng có logo hoa sen dệt chìm. Những chi tiết cổ và tay áo được cách điệu mạnh hơn tạo đường nét của đôi cánh tự do nhấn mạnh chữ V với ý nghĩa chữ Việt. Màu sắc của hạng C (thương gia) và Y (hạng phổ thông) dựa vào màu sắc của nội thất được định hình bằng quan điểm màu vàng của đất và màu xanh của bầu trời hy vọng.
Cả Vietnam Airlines và NTK Minh Hạnh đều cho rằng việc góp ý của hành khách và dư luận qua báo chí là điều cần lắng nghe và chọn lọc. Hết tháng 3, thiết kế sẽ được hoàn chỉnh để dự kiến đưa vào áp dụng chính thức trong tháng 6 - thời điểm hãng chính thức khai thác loại máy bay thân rộng thế hệ mới Airbus 350 và Boeing 787-9.
Trước làn sóng của dư luận hiện nay, cùng chờ xem Vietnam Airlines sẽ phản ứng như thế nào để đáp ứng lòng mong mỏi của hành khách cũng như dư luận cả nước đối với một hãng hàng không quốc gia, đại diện cho hình ảnh một quốc gia, một dân tộc khi ra thế giới?