Tranh cãi quyết liệt vụ 3 con gà đi lạc

Theo đơn khởi kiện, bà G ở xã Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp trình bày rằng do trời nắng nóng nên bà G thả gà đi rong.

Từ chuyện hàng xóm mất gà

Sau khi phát hiện bị mất 3 con gà, bà G nghe hàng xóm nói gà của bà bị bà K nhốt tại nhà bà K. Mặc dù bà và bà K nhà gần nhau nhưng do hai bên có mâu thuẫn từ trước nên bà không đến nhận lại gà mà bà đi báo công an. Nay bà G kiện đòi bà K bồi thường giá trị 3 con gà...

Bà K thừa nhận có bắt giữ 3 con gà vào nhà bà phá đồ đạc và phóng uế bừa bãi. Bà đã biết 3 con gà đó là của bà G. Bà có mời một số người đến làm chứng, sau đó bà treo gà lên cây để “gà của ai thì người nấy đến nhận”.

Bà còn đăng hình 3 con gà lên Facebook để “tìm chủ nhân và buộc chủ khi đến nhận gà phải cam kết nhốt lại, không để gà đến phá đồ đạc phóng uế trong nhà bà nữa”. Do lâu quá mà chủ gà không đến nhận nên bà đã cho số gà này cho 3 người khác.

Tại phiên tòa, bà G và bà K tự nguyện thống nhất 3 con gà mà bà K bắt giữ của bà G với trọng lượng và giá gà thịt theo giá thị trường  là 110.000 đồng/kg nên toà không thu thập thêm chứng cứ về giá gà thịt.

Theo HĐXX, việc bà G biết bà K có bắt giữ 3 con gà của bà mà bà không đến nhận là có lý do chính đáng vì 2 bà có mâu thuẫn trầm trọng từ trước, mạnh ai nấy sống, không ai nói chuyện với ai.

Việc 3 con gà vào nhà bà K, bà K không báo chính quyền địa phương mà tự ý bắt giữ trái phép. Mặc dù biết là gà của bà G mà bà K tự ý đem cho ba người khác là xâm phạm đến quyền sở hữu đối với gia cầm của bà G và gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản của bà G. Vì vậy, bà K phải có bồi thường 693.000 đồng cho bà G.

Đến tranh cãi về cách giải quyết của tòa

Theo anh Bùi Toản (quận 1, TP.HCM) thì toà xử buộc bà K phải bồi thường cho bà G là chưa giải quyết triệt để vụ án. Vì thời hạn thông báo phải làm rõ đã đủ 01 tháng chưa theo quy định tại Điều 323 BLDS 2015 chưa. 

Người được bà K cho gà phải đưa vào tham gia tố tụng để làm rõ xem nếu gà còn thì phải trả lại cho bà G. Vì có khả năng khi cho gà, bà K chưa đủ điều kiện là chủ sở hữu 3 con gà nên việc cho gà là bất hợp pháp, cần phải trả lại nếu còn gà. Hơn nữa, khi xem xét trả lại gà cho bà G bà G phải có nghĩa vụ thanh toán lại cho bà K chi phí nuôi gà trong thời gian bà K và người nhận gà nuôi.

Anh Nguyễn Sa Linh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) thì cho rằng bà K bắt được gà thất lạc và đã thực hiện nghĩa vụ thông báo. Bà G biết gà đang ở nhà bà K nhưng không đến nhận nên xem như đã từ bỏ quyền sở hữu. Gà là gia cầm thất lạc, sau một tháng bà K thông báo công khai, do bà G biết mà không đến nhận, nên gà đã thuộc quyền sở hữu của bà K là người bắt được gà.

Lý do chính đáng như toà nói là do "có mâu thuẫn trầm trọng từ trước", theo tôi là chưa thoả đáng. Bởi lẽ mâu thuẫn là mâu thuẫn trong quan hệ xóm giềng, còn việc mất gà thuộc quan hệ sở hữu tài sản. Hai mối quan hệ khác nhau nên không thể nói vì có mâu thuẫn nên có lý do chính đáng để không đến nhận gà về.

Biết rõ gà của mình trong nhà bà K nhưng bà G không đến nhận mà lại báo công an. Làm như bà K ăn trộm gà nhà bà không bằng trong khi gà của bà tự chạy qua nhà bà K. Luật không buộc bà K phải biết đây là gà của bà G vì khó phân biệt gà của bà G và gà của bà khác. Vì vậy toà xử bà K bồi thường cho bà G là chưa công bằng.

Trong khi anh Nguyễn Hồng, quận 11, TP.HCM nói: Có thiệt hại thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi giữ gà của bà K và hậu quả mất gà của bà G thì người có lỗi là bà K phải bồi thường. Giá và trọng lượng hai bên có thể thống nhất, nguyên tắc tự thoả thuận về giá trị tài sản.

Bà K biết rõ gà là của bà G thì lùa ra khỏi cổng, chứ sao giữ lại treo lên, đăng lên FB. Mà không biết FB của bà có mấy bạn bè, có ai xem không, có ai theo dõi không. Nếu FB ít người xem thì thông báo có công khai thì cũng như kín.
Theo tôi, toà xử vậy là đúng.

Góc nhìn khác của luật sư

Sau khi phát hiện bị mất gà, bà G nghe hàng xóm nói gà của bà bị bà K nhốt tại nhà bà K. Bà không biết chúng có vào nhà bà K phá đồ đạc và phóng uế hay không nhưng do có mâu thuẫn từ trước nên bà không đến nhận lại gà mà bà đi báo công an.

Việc mâu thuẫn là việc cá nhân trước đó nên không thể xem đây là “lý do chính đáng” để bà có quyền không vào nhà bà K.

Bà K đã thực hiện các bước như mời một số người đến làm chứng, sau đó treo gà trước cửa nhà bà và thông báo tìm chủ nhân bắng nhiều cách, trong đó có việc đăng tin trên FB.

Như vậy, bà K đã đảm bảo tính công khai trong việc chiếm giữ đúng với quy định của Điều 232 BLDS 2015. Đó là, trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại.

Nếu sau một tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về bà K.

Theo bài viết thì “do lâu quá mà không thấy ai đến nhận số gà này nên bà K đã cho người khác”, nếu “lâu quá” là “sau một tháng” thì bà K đã thành chủ của ba con gà này.

Ngoài ra, điều luật này còn quy định quyền của bà K là trong thời gian nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, người bắt được gia cầm được hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra; được thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác trường hợp bà G được nhận lại gia cầm bị thất lạc. Nghĩa vụ của bà K là “phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia cầm”.

Về phía bà G, bà còn có trách nhiệm của một chủ sở hữu gia cầm, tức là phải bồi thường thiệt hại do gà của bà gây ra cho người khác. Giả sử bà K bị thiệt hại do gà phóng uế, phá phách hoa màu thì bà K còn có thể phản tố, yêu cầu bà G bồi thường theo khoản 4 Điều 603 BLDS 2015. Theo đó, trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Luật sư Trần Văn Hoàng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới