Tranh cãi thẩm quyền đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe

Sáng 11-11, QH đã thảo luận tại tổ về hai dự án luật gồm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, băn khoăn về việc tách hai dự luật. Ảnh: QH

Băn khoăn việc tách hai luật

Một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn là có nên tách hai luật trên ra không vì bản thân nội dung của hai luật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã lý giải việc tách luật sẽ bảo đảm giải quyết hai vấn đề quan trọng và rất bức xúc hiện nay là hạ tầng GTĐB và bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. “Dư luận rất băn khoăn liệu khi tách hai luật này thì có lãng phí, bảo đảm tiết kiệm hay không… Qua đánh giá tổng kết, Luật GTĐB có rất nhiều bất cập cần phải thay đổi. Theo suy nghĩ của chúng tôi, nếu tách hai luật thì sẽ tiết kiệm, tránh lãng phí” - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói.

Theo bộ trưởng Bộ Công an, thứ nhất việc tách hai luật không làm phát sinh bộ máy mới, thậm chí còn giảm số người phải làm nhiệm vụ trên đường. “Tôi nghĩ đã quy định thế này thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên đường nữa. Bộ GTVT có đề nghị chúng tôi nếu giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thì đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho tôi chỉ tiêu này” - ông Lâm nói.

Tuy nhiên, nhiều ĐB tỏ ra băn khoăn với nội dung này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho hay không chỉ cá nhân ông mà nhiều cử tri và nhân dân đều không đồng tình với việc tách hai luật: “Nếu tách riêng ra thì sẽ có nguy cơ không ăn khớp, như kiểu một nhà mà tách ông riêng, bà riêng thì không ổn”.

ĐB Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho hay hồ sơ trình hai luật của Chính phủ cố gắng phân định Luật GTĐB điều chỉnh kết cấu hạ tầng, phương tiện đường bộ, vận tải đường bộ. Còn Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB thì quy định quy tắc giao thông, phương tiện giao thông, tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy giao thông, giải quyết tai nạn, vi phạm trong bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB.

“Nhìn như thế chúng ta đã thấy có nội dung trùng rồi… Nhất là khi điều chỉnh cụ thể vào từng điều khoản sẽ rất chồng chéo, khó phân định” - ông Tùng nói.

Tranh cãi thẩm quyền sát hạch, cấp bằng lái

Một nội dung khác được các ĐB cho nhiều ý kiến là có nên chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an.

ĐB Trần Ngọc Khánh (đoàn Khánh Hòa) cho biết cả nước hiện nay có 340 cơ sở đào tạo cấp bằng lái xe. Hầu hết cơ sở này đã được xã hội hóa, sống bằng tiền của người học bằng lái xe. Do vậy, theo ông Khánh, nếu để Bộ GTVT hay chuyển sang Bộ Công an thì vẫn là tư nhân làm nhiệm vụ đào tạo, cấp chứng chỉ cho người học lái xe.

Các ĐB cũng cho rằng việc chuyển thẩm quyền sát hạch, cấp GPLX sẽ lãng phí nguồn lực về con người và cơ sở vật chất hiện nay. “Nếu chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an mà “vẫn thế thôi” thì chuyển sang để làm gì? Nếu muốn siết, làm chặt chẽ hơn thì chúng ta chỉ cần bổ sung GPLX” - ĐB Bùi Thị Thùy (đoàn Thanh Hóa) nói.

Cùng vấn đề trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho hay hiện nay phần lớn cơ sở đào tạo lái xe đã chuyển sang xã hội hóa. Các cơ sở sát hạch thì có Bộ GTVT làm, các trường nghề làm. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng phụ trách cấp phép lĩnh vực quốc phòng, Bộ Công an cấp bên công an, còn dân sự giao cho Bộ GTVT.

“Hiện nay có hơn 2.000 cán bộ, công chức và 22.000 tỉ đồng đã được chi vào đây. Dù anh Khánh nói sau này nếu có chuyển sang Bộ Công an thì cũng chỉ một cơ quan nào đó, bộ phận nào đó ký hợp đồng với cơ quan đào tạo làm việc này nhưng thực tế có cần thiết làm như vậy không? Đó là chưa nói bây giờ phải tập trung chuyên môn hóa, lực lượng vũ trang cần làm những gì thật sự vũ trang, còn dân sự thì để cho dân sự theo hướng xã hội hóa, chúng ta chỉ quản lý nhà nước thôi” - phó chủ tịch QH nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ GTVT nói về thu phí đường cao tốc

Tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nói về một số điểm mới của dự luật, trong đó đáng chú ý là vấn đề thu phí trên đường cao tốc và loại bỏ xe cũ.

Về thu phí đường cao tốc, ông Thể dẫn bài học từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau khi dừng thu phí thì việc quản lý tuyến đường này vô cùng khó khăn, nhiều xe không bảo đảm cũng tham gia khiến vận tốc dòng xe chỉ khoảng 50-60 km/giờ, không đúng thiết kế vận tốc 100 km/giờ.

“Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu thu phí lại đường cao tốc, như trường hợp cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang xây dựng phương án thu phí trở lại” - ông Thể nói.

Theo ông Thể, việc thu phí đường cao tốc sẽ giúp điều tiết được lưu lượng xe đi lại trên đường cao tốc; tạo nguồn thu để đầu tư hệ thống đường cao tốc trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, huy động vốn xã hội khó khăn.

Vấn đề loại bỏ xe cũ, ông Thể cho hay hiện tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng, nhất là các đô thị lớn mà một trong các tác nhân gây ra là khí thải từ xe. Hiện cả nước có 4,3 triệu ô tô có đăng kiểm định kỳ, bảo đảm tiêu chuẩn, tuy nhiên cả nước có tới 60 triệu xe máy, trong đó nhiều loại qua sử dụng được đánh giá là tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

“Những mô tô không đáp ứng yêu cầu sẽ phải thải loại, nhiều nước áp dụng tốt. Lộ trình sẽ có, không phải đưa vào luật là làm ngay, sẽ chọn đối tượng để từng bước, từng năm, từng thời kỳ để đi đến giai đoạn cuối là quản lý khí thải mô tô, trước mắt có thể chọn xe phân khối lớn hoặc xe có thời gian sử dụng lâu, 20-30 năm, tiến dần tới quản lý toàn bộ” - ông Thể nói.

 

Trước các ý kiến của ĐBQH, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: “Việc sát hạch, đào tạo lái xe đã xã hội hóa. Bộ chỉ kiểm soát cấp bằng lái xe, quản lý bằng lái xe, bảo đảm đúng quy trình, quy chuẩn, chống việc làm giả, gian lận. Chỉ quản lý việc đó thôi, còn các cơ sở sát hạch vẫn hoạt động bình thường”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm