Tranh cãi về luật cho vợ chồng ly hôn chia sẻ quyền nuôi con

(PLO)- Quốc hội Nhật thông qua luật sửa đổi cho phép các cặp vợ chồng ly hôn chia sẻ quyền nuôi con, song động thái này vấp phải chỉ trích từ những người ủng hộ quyền phụ nữ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-5, quốc hội Nhật thông qua điều khoản sửa đổi trong bộ luật dân sự cho phép các cặp vợ chồng đã ly hôn chia sẻ quyền nuôi con, theo tờ Nikkei Asia.

Luật sửa đổi nhằm tạo sự công bằng hơn trong việc nuôi con và giảm nhẹ gánh nặng đối với phụ nữ Nhật - những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái.

Theo luật sửa đổi, cặp đôi đã ly hôn sẽ được phép lựa chọn giữa việc cùng nhau có quyền giám hộ hợp pháp đối với con hoặc chỉ một người có quyền này (như trước đây).

Nếu hai bên không thể đi đến thỏa thuận hoặc trong trường hợp bạo lực gia đình, tòa án sẽ can thiệp và ra phán quyết theo “lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ”.

Luật cho vợ chồng đã ly hôn chia sẻ quyền nuôi con gây tranh cãi
Quốc hội Nhật đã thông qua điều khoản sửa đổi trong bộ luật dân sự cho phép các cặp vợ chồng đã ly hôn chia sẻ quyền nuôi con. Ảnh: NIKKEI ASIA

Đối với các cặp vợ chồng ly hôn lựa chọn chia sẻ quyền nuôi con, cả hai sẽ có quyền hợp pháp được gặp con, có quyền đưa ra những quyết định quan trọng đối với con như phẫu thuật, xin hộ chiếu hoặc chuyển nơi ở.

Các cặp vợ chồng ly hôn trước khi luật mới ​​có hiệu lực (dự kiến vào năm 2026) có thể nộp đơn xin lên tòa để xin cấp quyền này.

Cùng với lựa chọn chia sẻ quyền nuôi con, luật sửa đổi cũng sẽ thiết lập một hệ thống luật định về thanh toán tiền cấp dưỡng.

Theo đó, người sống với con nhiều hơn có quyền yêu cầu một khoản hỗ trợ từ người kia. Người nào không đáp ứng nghĩa vụ tài chính với con cái sẽ bị phạt, có thể là tịch thu tài sản.

Theo dữ liệu mới nhất của chính phủ Nhật, có gần 95.000 vụ ly hôn đã có con chung ở Nhật trong năm 2022, ảnh hưởng đến 161.902 trẻ vị thành niên.

Luật hiện hành ở Nhật, có từ năm 1898, quy định chỉ một người có quyền nuôi con và thường trao quyền này cho người gần gũi với đứa trẻ hơn. Trong các trường hợp ly hôn năm 2022, 86% quyền nuôi con trao cho người mẹ.

Hôm 9-5, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Ryuji Koizumi thuyết phục quốc hội ủng hộ việc chia sẻ quyền nuôi con để đưa Nhật sánh kịp với các đối tác khác trong nhóm G7, vốn đều cho phép vợ chồng ly hôn chia sẻ quyền nuôi con.

“Thật có vấn đề khi mối quan hệ của một đứa trẻ với cha mẹ sẽ tự động bị cắt đứt khi cuộc hôn nhân giữa cha mẹ chúng tan vỡ” - ông Koizumi nói.

Tuy nhiên, luật sửa đổi của Nhật cũng vấp phải chỉ trích từ những người ủng hộ quyền phụ nữ vì cho rằng sẽ nguy hiểm nếu để người chồng, người cha từng bạo hành vợ con mình có thể tiếp cận nạn nhân.

Dù luật mới quy định rằng để áp dụng việc chia sẻ quyền nuôi con, phải cần có sự đồng ý của cả hai nhưng những người phản đối cho rằng một bên có thể sử dụng việc chia sẻ quyền nuôi con như điều kiện để đồng ý ly hôn.

Ngày 8-5, khoảng 400 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội Nhật ở thủ đô Tokyo để kêu gọi bãi bỏ dự luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm