Yếu tố Nhật và khả năng AUKUS trở thành JAUKUS

(PLO)- Vẫn còn quá sớm để nhận định về viễn cảnh thỏa thuận Hiệp định đối tác tăng cường an ninh ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) trở thành JAUKUS với sự tham gia của Nhật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật diễn ra ở Nhà Trắng ngày 10-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Kishida Fumio thảo luận về khả năng Tokyo tham gia trụ cột thứ hai của thỏa thuận Hiệp định đối tác tăng cường an ninh ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS).

Ý tưởng mở rộng AUKUS

AUKUS được thành lập năm 2021, gồm Mỹ, Anh và Úc. Trọng tâm của AUKUS gồm hai trụ cột. Trụ cột thứ nhất là Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ và trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Úc. Trụ cột thứ hai hướng đến phát triển năng lực chiến đấu tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, tàu chiến đấu không người lái và tên lửa siêu vượt âm.

AUKUS.jpeg
(Từ trái sang) Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak trên đường tới cuộc họp báo về AUKUS hồi tháng 3-2023. Ảnh: AP

"Mở rộng" AUKUS không phải là ý tưởng mới mà trên thực tế việc mở rộng AUKUS đã được đề cập ngay từ khi khối này được thành lập. Nhật được xem là một ứng cử viên tiềm năng nếu như khối này kết nạp thêm thành viên. Vào khoảng tháng 5-2022, nhiều nguồn tin cho rằng Nhật đã được bí mật mời tham gia AUKUS nhưng các bên đã lên tiếng bác bỏ.

Về phía Anh, vào tháng 8-2023, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh đã đề xuất mời Nhật và Hàn Quốc tham gia hợp tác công nghệ với AUKUS. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cũng mong muốn Tokyo tham gia việc phát triển quốc phòng với AUKUS.

Đánh giá khả năng Nhật tham gia AUKUS?

Theo tuyên bố chung của bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên AUKUS công bố ngày 8-4, các nước sẽ xem xét đưa Nhật vào trụ cột thứ hai. Nếu điều này trở thành hiện thực, AUKUS có thể sẽ được nâng cấp thành JAUKUS (chữ cái J đại diện cho Nhật - Japan).

Theo hãng tin Reuters, ba nước thành viên của AUKUS còn xem xét hợp tác với Nhật trên cơ sở mối quan hệ đối tác quốc phòng song phương chặt chẽ giữa Tokyo với cả ba nước.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nhật vừa qua, ông Biden và ông Kishida đã thảo luận về các nội dung liên quan hợp tác giữa AUKUS và Nhật. Việc hợp tác giữa Nhật với các nước AUKUS trong lĩnh vực công nghệ chiến đấu tiên tiến là phù hợp với ý chí chung của các bên.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhận xét rằng Nhật là một “đồng minh tự nhiên” của khối vì sự tương đồng trong tầm nhìn, quan điểm an ninh cũng như nguồn lực phù hợp với nhu cầu của AUKUS.

Với tiềm lực công nghệ có tiếng cùng nền công nghiệp quốc phòng phát triển, Nhật là một lựa chọn chiến lược cho AUKUS. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho rằng: “Có những lĩnh vực mà Nhật có thể mang lại năng lực đáng kể [...] bao gồm robot tiên tiến, ​​an ninh mạng và công nghệ chống tàu ngầm” .

Theo ông Ryosuke Hanada - chuyên gia nghiên cứu về Nhật tại ĐH Macquarie (úc): “Nhật có thể cung cấp các nguồn lực cần thiết để sản xuất vật liệu trung gian cho quân sự hoặc thiết bị lưỡng dụng”. Ngoài ra, theo chuyên gia Bronte Munro thuộc Viện Chiến lược Chính sách Úc (ASPI), việc hợp tác với Nhật có thể giúp đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn cho các đối tác AUKUS.

000146810.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Nhà Trắng (Mỹ) hôm 10-4. Ảnh: VĂN PHÒNG THỦ TƯỚNG NHẬT

Về phía Nhật, trong Chiến lược quốc phòng 2022, Tokyo đã xác định việc phát triển nền công nghệ quốc phòng tiên tiến là ưu tiên quan trọng. Việc tham gia trụ cột thứ hai của AUKUS là có thể giúp cải thiện ngành công nghiệp quốc phòng của Tokyo, theo chuyên gia an ninh Đông Á Rena Sasaki - thành viên của Chương trình Lãnh đạo Trẻ Thế hệ Tiếp theo của Diễn đàn Thái Bình Dương (Mỹ).

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Nhật đa dạng hóa các mối quan hệ quốc phòng, giảm sự phụ thuộc quốc phòng vào Mỹ. Đây có thể được xem như là một cách để “phòng ngừa rủi ro” trước viễn cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (người thường xuyên công khai chỉ trích các đồng minh của Mỹ khi còn là tổng thống) có thể quay trở lại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, việc chỉ tham gia vào một số lĩnh vực nhất định trong trụ cột thứ hai cũng đồng nghĩa rằng Nhật sẽ không là thành viên chính thức của AUKUS.

Về mặt bản chất, việc tham gia đầy đủ tất cả lĩnh vực, bao gồm trụ cột thứ nhất, liên quan tàu ngầm hạt nhân, là không khả thi với Nhật. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, dư luận Nhật rất nhạy cảm với vấn đề hạt nhân. Ngoài ra, một số lĩnh vực tối quan trọng về bí mật công nghệ quốc phòng giữa ba nước AUKUS đòi hỏi phải đảm bảo an ninh mạng và an ninh thông tin, lĩnh vực mà Nhật đang còn hạn chế.

Ngoài ra, hợp tác ở trụ cột thứ nhất vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, việc bổ sung thêm quốc gia thứ tư vào liên minh sẽ làm phức tạp và làm sao nhãng nhiệm vụ vốn đã khó khăn. Điều này đi ngược lại xu thế hợp tác “tiểu đa phương” của Mỹ và các đồng minh, với trọng tâm là linh hoạt, hiệu quả và gọn nhẹ.

Mặc dù vậy, hợp tác “JAUKUS” cũng cho thấy có nhiều khả năng. Nhật có thể tham gia với AUKUS trên cơ sở từng dự án riêng lẻ trong các sáng kiến nâng cao năng lực của trụ cột thứ hai, mà không nhất thiết phải là thành viên đầy đủ. So với các đối tác tiềm năng khác được AUKUS xem xét mở rộng như New Zealand hay Canada, Nhật với ưu thế địa lý chiến lược và năng lực dồi dào vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Hiện tại, vẫn còn quá sớm để nhận định hợp tác JAUKUS sẽ thật sự “thành hình” như thế nào, khi mà các ý tưởng vẫn đang ở khâu thảo luận và chưa có một động thái cụ thể nào từ các bên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh xu thế hợp tác “tiểu đa phương” trong khu vực và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc khiến các đồng minh của Mỹ xích lại gần nhau hơn, JAUKUS chắc chắn sẽ là một viễn cảnh được nhắc đến thường xuyên trong thời gian tới.

Phản ứng các nước trong khu vực

Viễn cảnh Nhật tham gia AUKUS hay nói cách khác là khả năng nâng cấp AUKUS thành JAUKUS vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Trung Quốc.

Cuối tháng vừa qua, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết Bắc Kinh đặc biệt quan ngại về khả năng mở rộng AUKUS, cho rằng điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo tờ China Daily.

“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác quân sự bình thường giữa bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng tôi kiên quyết phản đối các nước liên quan thành lập các nhóm độc quyền, xây dựng các liên minh quân sự song phương hoặc đa phương nhằm vào Trung Quốc, tạo ra sự chia rẽ và gây ra sự đối đầu giữa các khối” - ông Ngô nhấn mạnh.

Ông Ngô cũng nói rằng các động thái quân sự và an ninh của Nhật được các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ và Tokyo “cần rút ra bài học từ lịch sử, phát ngôn và hành động thận trọng về các vấn đề quân sự và an ninh”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết các cơ cấu quân sự và chính trị do Mỹ định hướng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như AUKUS, đang cố gắng biến hệ thống an ninh trong khu vực thành hệ thống lấy Mỹ làm trung tâm, theo hãng thông tấn TASS.

Trong một bài đăng trên hãng thông tấn KCNA, nhà phân tích Triều Tiên Kang Jin-song chỉ trích động thái của Mỹ, Anh và Úc nhằm mở rộng AUKUS tới nhiều quốc gia hơn, cảnh báo rằng động thái này sẽ chỉ biến khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành một "bãi mìn hạt nhân".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm