Mới đây Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM và Hiệp hội Vận tải hàng hóa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định vỏ mòn, biển số mờ, đèn mờ không đảm bảo an toàn giao thông. Nguyên do, các thành viên của hai hội này phản ánh việc CSGT kiểm tra, xử phạt các lỗi này từ việc quan sát bằng mắt thường, không thuyết phục.
Trước đề nghị này, Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của một số đơn vị liên quan.
Ông BÙI VĂN QUẢN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM:
Dùng mắt sẽ không thuyết phục
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị CSGT xử phạt về lỗi vỏ mòn, biển số mờ, đèn mờ không bảo đảm an toàn kỹ thuật với mức 900.000 đồng/trường hợp. Tuy nhiên, CSGT chỉ đánh giá bằng mắt thường, không dùng thiết bị đo lường làm căn cứ xử phạt và cũng không ghi rõ mức độ vi phạm.
Trong khi thực tế, nhiều khi dùng máy móc, thiết bị như cân tải trọng vẫn xảy ra sai sót thì dùng mắt xác định sẽ không thuyết phục. Vì vậy, hiệp hội có văn bản gửi Bộ Công an và Bộ GTVT đề nghị ban hành hướng dẫn cụ thể cách thức xác định độ mòn của vỏ, biển số mờ, đèn mờ không đảm bảo. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần quy định cụ thể phải sử dụng các thiết bị đo lường theo quy trình thống nhất để tránh gây những bức xúc cho lái xe và doanh nghiệp vận tải.
Ông TRẦN NGỌC THỌ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Quản lý không tốt, sao phạt nạn nhân
Theo quy định, người điều khiển ô tô khi tham gia giao thông để biển số không rõ chữ hay điều khiển xe có vỏ không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ bị phạt. Tuy nhiên, nhiều tài xế và doanh nghiệp thuộc hiệp hội phản ánh các tiêu chí nhận biết thế nào là biển số mờ, không rõ chữ và vỏ xe mòn không đảm bảo an toàn mang tính định tính.
Ngoài ra, do đặc thù khí hậu, nhất là vào mùa mưa ở những đường sá sình lầy thì xe đi một đoạn ngắn là biển số mờ do bùn đất văng, bám vào. Trong các trường hợp này, sao không phạt các đơn vị quản lý không tốt để nhiều xe lôi đất đá ra đường mà xử phạt các nạn nhân?
Do vậy, hiệp hội đã đề nghị Bộ Công an hướng dẫn cụ thể quy trình kiểm tra, xác định vi phạm đối với các lỗi này một cách khoa học, giúp các doanh nghiệp, tài xế hiểu rõ, chủ động chấp hành.
CSGT TP.HCM kiểm tra việc tuân thủ pháp luật giao thông. Ảnh minh họa: HTD
Thượng tá PHAN VĂN MIẾNG, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:
Chỉ phạt khi vỏ quá mòn
Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ CSGT chỉ xử phạt lỗi vỏ mòn, đèn xe hỏng, biển số mờ khi hư hỏng quá nặng.
Bởi CSGT không có phương tiện máy móc kỹ thuật nên khó đánh giá độ mòn của vỏ. Ở vỏ có một điểm lõm sâu nhất để xác định độ mòn, song thực tế cũng khó phát hiện, xử lý. Vì vậy CSGT chỉ lập biên bản khi vỏ hết gai, mòn tới bố. Ngoài ra, thông thường các tài xế cũng thay thế đèn hư hỏng để đảm bảo an toàn lưu thông, nhất là trong điều kiện lưu thông vào ban đêm hay trời mưa, mù.
Trung tá PHAN VĂN THƯƠNG, Phó Trưởng phòng PC67 Đà Nẵng:
Đưa xe về đo để đảm bảo pháp lý
Chúng tôi ít xử lý các lỗi vỏ mòn, đèn mờ hay biển số mờ. Bởi nếu xe nào không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật thì đã không thể qua các khâu đăng kiểm.
Cũng như việc xử lý các trường hợp về khí thải, nồng độ cồn… phải thực hiện thông qua các thiết bị đo chuyên dụng mới thuyết phục, tránh được các phản ứng của tài xế. Tức là muốn xác định các lỗi vi phạm như vỏ mòn, đèn mờ, biển số mờ thì phải có thiết bị đo chứ không thể xử lý cảm tính. Nếu không có thiết bị chuyên dụng, CSGT sẽ liên lạc với Sở GTVT hoặc trung tâm đăng kiểm đưa xe về đo để đảm bảo tính pháp lý cho việc xử lý.
Ông NGUYỄN HƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng:
Có thiết bị mới đo được
Quy định xử phạt các lỗi trên bằng mắt thường thì khó thuyết phục được tài xế. Theo tôi, cần có thiết bị đo xác định cụ thể độ mòn của vỏ bánh, độ mờ của đèn chiếu sáng.
Đối với vỏ thì có hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng và dùng thước đo vào rãnh vỏ để xác định vỏ mòn hay không.
Đối với đèn thì quan trọng nhất là đèn chiếu xa và chiếu gần. Việc quan sát bằng mắt thì khó thể xác định đèn mờ hay không mà phải dùng thiết bị đo lường mới có cơ sở để xử phạt người vi phạm. Theo đó, hai đèn này khi đo phải có độ sáng trên 10.000 cd mới đạt yêu cầu.
Riêng về biển số mờ thì trung tâm gặp khá nhiều, có thể do xe đi đường bụi bặm bám vào. Nếu lau chùi mà biển số sạch rõ ngay thì không sao. Chỉ khi nó quá cũ, mờ và nước sơn trên bong tróc, không còn nhận dạng bằng mắt thường được nữa thì bắt buộc phải sửa, đổi biển số.
Thượng tá NGUYỄN HOÀNG DIỆP, Phó Trưởng phòng PC67, Công an TP.HCM:
Khó chứng minh nên chủ yếu nhắc nhở
Việc xác định đèn thiếu sáng hay còi quá to, khói vượt chuẩn phải được xác định từ các thiết bị đo chuyên dùng. Hiện CSGT TP.HCM chỉ có một số máy đo âm thanh, khói chứ chưa được trang bị máy đo cường độ ánh sáng. Không có máy đo thì việc chứng minh đèn mờ là rất khó. Do vậy trong nhiều trường hợp quan sát bằng mắt mà thấy đèn mờ thì chúng tôi vẫn chỉ nhắc nhở là chính. Trừ khi xe thiếu hoặc có nhưng đèn soi biển số không có tác dụng, không mở đèn chiếu sáng trong thời gian bắt buộc… thì CSGT mới xử phạt.
Tương tự, về độ mòn của vỏ, thực tế chủ xe có thể trang bị vỏ mới, đạt chuẩn nhưng có khả năng tài xế đổi vỏ mới lấy vỏ cũ. Đây là nguy cơ dẫn đến nổ vỏ, gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc xác định mòn quá chuẩn hay chưa cũng không thuyết phục khi thiếu thiết bị đo nên CSGT TP.HCM cũng ít xử phạt về lỗi này.
Tài xế ấm ức “Gần đây, nhiều tài xế chở hàng bị xử phạt về lỗi vỏ xe mòn, đặc biệt ở khu vực các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ… Cá biệt có ngày, ba xe của công ty xuất phát từ ba thời điểm sáng, trưa, khuya cũng bị xử phạt về lỗi này” - ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Lâm Vinh, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết. Tài xế Nguyễn Hồng T. của Công ty Lâm Vinh kể hôm đó ông chở hàng qua Cần Thơ, lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra. “Ban đầu, họ cân xe nhưng xe chở đúng tải thì họ kiểm tra giấy tờ. Tôi xuất trình đầy đủ giấy tờ thì họ nhìn nhìn rồi nói vỏ xe bị mòn” - tài xế T. kể. Ông T. gọi điện thoại báo về công ty thì được khẳng định vỏ này mới thay từ năm đến sáu tháng, trong khi thông thường thì sử dụng được từ 18 đến 24 tháng. “Tôi đã giải thích nhưng họ một mực khẳng định vỏ mòn, nếu không đồng ý thì sẽ đem đi giám định. Tôi cãi không xong nên đành để họ lập biên bản” - ông T. kể. Cũng bị CSGT ở Cần Thơ xử phạt cùng ngày, cùng lỗi như ông T., tài xế Trần Minh D. cho hay ông không thắc mắc việc xử phạt nhưng vấn đề là phải có bằng chứng thuyết phục chứ không thể dùng mắt để phán. Theo ông Lâm Đại Vinh, nhiều tài xế của đơn vị cho biết nhiều trường hợp ban đầu bị dừng, kiểm tra về tải trọng nhưng sau khi xe không vi phạm, có đầy đủ giấy tờ thì lực lượng chức năng chuyển qua kiểm tra biển số xe, vỏ xe. Có trường hợp CSGT đuổi theo hàng cây số và “soi” về nhóm lỗi này. “CSGT dùng mắt thường kiểm tra vỏ mòn nhưng khi lập biên bản lại ghi lỗi lắp bánh xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật” - ông Vinh nói. Không hẳn xe còn trong hạn đăng kiểm thì không vi phạm các lỗi an toàn kỹ thuật nêu trên. Tuy nhiên, CSGT Tiền Giang ít xử phạt những lỗi vỏ xe mòn, đèn mờ hay biển số mờ do CSGT không có thiết bị nên việc xác định dễ mang tính chủ quan. Chỉ khi chúng tôi phát hiện vỏ xe mòn đến nứt, lòi ruột xe, có nguy cơ nổ thì lập biên bản, ra quyết định xử phạt và yêu cầu thay vỏ ngay. Thượng tá TRẦN VĂN BÌNH, |