Mới đây, một số báo thông tin: Theo bản tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri được Ban Dân nguyện gửi tới các đại biểu Quốc hội thì người dân Ninh Thuận, Đà Nẵng có đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu thêm quy định về việc không gọi nhập ngũ vào quân đội đối với công dân xăm da (bằng kim), có hình xăm mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay, chân...
Theo các cử tri, quy định trên không cần thiết và có thể bị người muốn trốn nghĩa vụ quân sự lợi dụng.
Trước thông tin này trên các báo, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ sự băn khoăn. “Đã gọi là nghĩa vụ quân sự thì nên áp dụng cho mọi đối tượng, chỉ trừ người có hạn chế về sức khỏe. Hình xăm đâu có ảnh hưởng gì!” - bạn đọc Nguyễn Ngân phát biểu.
Đồng tình, bạn Tuấn Kiệt nói: “Lính tráng tính cách mạnh mẽ thì việc xăm hình là bình thường. Thế nào là hình xăm kỳ dị, nghe rất là cảm tính. Chúng ta nên cởi mở hơn, đừng giữ thành kiến xăm mình là hư thân”.
Thanh niên TP.HCM lên đường nhập ngũ vào đầu năm 2018. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Nếu e ngại người xăm mình có vấn đề về đạo đức, lối sống thì càng nên cho họ vào môi trường quân đội để rèn luyện. Xã hội sẽ bớt đi những tay giang hồ trong tương lai” là ý kiến của bạn Hiếu Thân.
“Ở các nước như Anh, Hàn Quốc, Thái Lan… thì ngay cả hoàng tử cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, đó là nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Trai tráng vào quân đội vài năm cũng là để chuẩn bị kiến thức phòng khi đất nước có ngoại xâm, vậy thì lý do gì loại trừ người xăm mình?” - bạn NgKa đặt câu hỏi.
Ngược lại, cũng có ý kiến bạn đọc đồng tình với việc phải có một bộ lọc đối với lực lượng quân nhân này. Cụ thể, bạn Nguyễn Phương cho rằng: “Quân đội nhân dân cần có một diện mạo tác phong cách mạng và đâu có thiếu người đến mức phải tuyển những người không đủ tiêu chuẩn làm người lính cách mạng. Cần tinh chứ không cần lượng”.
Bạn Văn Hòa phân tích kỹ hơn: “Quy định chỉ nhắm vào những người xăm trổ quá mức bằng những hình thù kỳ dị, phản cảm thôi. Như vậy hợp lý vì những người này hẳn là thuộc thành phần khác biệt, hành vi cũng không như người ta, vào được nội bộ quân đội rồi ai biết sẽ làm gì. Đây là lực lượng đặc biệt, tất nhiên phải cẩn trọng”.
Hạn chế công dân lợi dụng hình xăm để trốn nghĩa vụ Trước đây, tại điểm d khoản 2 Điều 4 Thông tư 167/2010/TT-BQP quy định việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm quy định: “Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống); chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào quân đội”. Thông tư 140/2015/TT-BQP ra đời sau đó thay thế Thông tư 167 thì trong tiêu chí tuyển quân không còn quy định cụ thể công dân nào xăm hình… thì không được gọi nhập ngũ vào quân đội. Sau đó, Bộ Quốc Phòng- Bộ Công an có ra Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15 tháng 4 năm 2016 quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo đó, công dân không được tuyển chọn nhập ngũ khi cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở những vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên. Bộ Quốc phòng khẳng định những hình xăm này thuộc tiêu chuẩn chính trị, đạo đức. Mới đây, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 148/2018/TT-BQP (có hiệu lực từ 20-11-2018), thay thế Thông tư 140. Trong đó, tiêu chuẩn về chính trị vẫn được tiếp tục thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50. Về tình trạng một số công dân trước ngày khám tuyển cố tình xăm hình nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, Bộ Quốc phòng đề nghị nơi tuyển quân, cơ quan quân sự, công an địa phương cần phối hợp chặt chẽ để xem xét, đánh giá về tính chất, mức độ của hình xăm để quyết định phân loại tiêu chuẩn nhập ngũ, hạn chế công dân lợi dụng hình xăm để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. HỮU ĐĂNG |