Điều 102 về nội dung quản lý nhà nước về giáo dục của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có nội dung quy định về việc ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (còn gọi là hội phụ huynh). Điều này đang gây ra tranh cãi trong các nhà quản lý giáo dục, giáo viên cũng như phụ huynh.
Hội nghị ban đại diện cha mẹ học sinh. Ảnh: internet
Chị Nguyễn Hoan, TP.HCM bày tỏ: “Vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh tôi chỉ thấy thể hiện rõ nhất qua những buổi họp phụ huynh. Tới đó, họ chỉ đọc thông báo các khoản thu chi của năm học trước và những khoản phụ cần đóng trong năm học hiện tại và tiến hành thu tiền. Ngoài ra không thấy có hoạt động gì nữa. Hội phụ huynh như thế thì tồn tại làm gì?".
Ở vai trò là một nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường tiểu học Mê Linh, quận 3 chia sẻ: “Việc thành lập Ban đại diện nên để hiệu trưởng tự quyết định. Nếu hiệu trưởng thấy cần thì thành lập còn không thấy cần thiết thì không nên. Nhưng nếu có Ban đại diện thì phải hoạt động theo quy định của Bộ GD&ĐT. Việc thành lập Ban đại diện không nên đưa vào Luật giáo dục mà chỉ cần có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện. Theo đó, hiệu trưởng sẽ tự quyết định thành lập Ban đại diện”.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng nên giữ Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng cần quản lý chặt về cách thực hiện để tránh những dư luận không hay như thời gian qua.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, giáo viên trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh cho biết, hiện nay, vấn đề xã hội hóa đang được thực hiện rất tốt từ các trường học. Với sự cộng tác, chung tay của phụ huynh nói chung và đặc biệt là Ban đại diện cha mẹ học sinh đã giúp cho nhà trường rất nhiều trong các hoạt động của nhà trường.
Ban đại diện cha mẹ học sinh tùy vào vị trí sẽ hỗ trợ nhà trường, giáo viên khác nhau. Đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp, sẽ là cầu nối để giúp giáo viên trong mọi hoạt động của lớp.
Đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường sẽ hỗ trợ nhà trường trong các công tác.
“Do đó không nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh mà cần có những quy định chặt chẽ về hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt là vấn đề chi – thu tiền để tránh những vấn đề đáng tiếc đã từng xảy ra. Hơn nữa, một số ban giám hiệu, giáo viên đã thông qua việc xã hội hóa, thông qua các khoản thu không theo quy định của ngành bằng việc nhờ “chính bàn tay” của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Điều này đã gây nên những bức xúc trong xã hội”, thầy Sơn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, một hiệu trưởng tại trường tiểu học ở quận 10 cho biết, không nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bởi tại các lớp khi thành lập tổ chức này đều có mục đích, vai trò, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng nhằm phối hợp, cộng đồng trách nhiệm cùng nhà trường trong việc giáo dục học sinh qua rất nhiều hoạt động. Ở trong gia đình còn cần một tổ chức thì trong một tập thể lớn như nhà trường, lớp học nếu không có tổ chức, không có người phụ trách chung, người đại diện cho tiếng nói của tập thể thì những chính sách, thông tin… làm sao đến với tất cả mọi người một cách chính thống.
Thế nhưng cũng theo vị hiệu trưởng trên, hiện nay tại một số nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa đi đúng hướng, không đảm bảo nguyên tắc sinh hoạt theo thông tư 55 và chưa thể hiện hết trách nhiệm, vai trò trong công tác phối hợp ba môi trường giữa gia đình – nhà trường – xã hội. Đâu đó vẫn để mọi cuộc họp đều tập trung vào việc thu tiền nên không thấy được vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì thế, vẫn nên giữ nhưng phải quy định làm sao để thực hiện đúng.
Đồng quan điểm, một giáo viên tại trường THCS, quận 11 cho rằng vẫn nên giữ lại Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường học. Bởi giáo dục muốn đạt hiệu quả tốt thì phải có sự phối hợp tốt giữa ba môi trường đó là nhà trường, gia đình và xã hội.
Ở trường, có nhiều sự việc xảy ra nhưng không phải phụ huynh nào cũng dám lên tiếng. Trong trường hợp này, Ban đại diện cha mẹ học sinh chính là người thay mặt phụ huynh nói lên tiếng nói của mình với nhà trường. Hơn nữa, Ban đại diện cũng đã làm rất tốt nhiệm vụ hỗ trợ cho nhà trường. Có những công việc, nhà trường phải sử dụng đến phần kinh phí từ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Kinh phí đó hỗ trợ cho hoạt động khen thưởng của học sinh, các hoạt động đội, văn - thể - mỹ. Hơn nữa nếu có vấn đề khúc mắc giữa phụ huynh và nhà trường thì Ban đại diện là người ở giữa giúp nhà trường giải thích với phụ huynh.