Đó là quan điểm thẳng thắn từ tham luận của TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục ĐH của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tại hội thảo khoa học Góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 16-1.
Hội thảo diễn ra tại Trường ĐH Luật TP.HCM, thu hút hơn 100 đại biểu là chuyên gia giáo dục, luật sư và lãnh đạo các trường ĐH, THPT…
Xem lại vấn đề tự chủ tài chính
Theo TS Ly, người dân hiện nay đang gánh chi phí giáo dục cao. Như ở trường công thì đang có hai biến tướng: Những dự tính tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho một nhóm nhỏ, như trường công chất lượng cao và các khoản lạm thu. Hai là dạy thêm học thêm vừa tạo gánh nặng cho phụ huynh, vừa tạo áp lực học tập cho con trẻ và đẩy các giáo viên vào tình trạng bị vắt kiệt sức.
Do đó, TS Ly đánh giá cao khi Luật Giáo dục sửa đổi lần này đã có những điều chỉnh cơ chế tài chính cho giáo dục. Nhà nước cần bổ sung kinh phí cho các cơ sở dân lập, tư thục thay vì tổ chức thêm trường công lập nhằm giảm gánh nặng cho người học ở cả công và tư.
Nói về cơ chế tài chính này, PGS-TS Nguyễn Văn Vân, khoa Luật thương mại (Trường ĐH Luật TP.HCM), cho rằng cần xem xét lại vấn đề tự chủ tài chính trong giáo dục phổ thông. Theo TS Vân, Luật Giáo dục sửa đổi lần này chỉ nêu tự chủ cho cơ sở giáo dục nhưng không nêu rõ bậc học nào (ĐH, giáo dục nghề nghiệp, phổ thông), loại hình trường nào, công hay tư. Nếu chúng ta duy trì cơ chế cào bằng trong luật sẽ rất khó áp dụng thực tế. “Chưa kể ở Việt Nam, lấy tự chủ tài chính làm trọng tâm để phát triển lên các quyền khác về nhân sự, học thuật… thì chúng ta đang đi theo trục “có tiền - có quyền” là rất thực dụng”.
TS Thái Thị Tuyết Dung (Trưởng bộ môn Luật hành chính, ĐH Luật TP.HCM) góp ý tại hội thảo.
Tranh cãi bỏ hay giữ ban đại diện cha mẹ học sinh
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề nên hay không nên giữ ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) như hiện nay trong dự thảo Luật Giáo dục.
TS Thái Thị Tuyết Dung (Trưởng bộ môn Luật hành chính, ĐH Luật TP.HCM) cho rằng không nên đưa quy định về ban hành điều lệ BĐDCMHS vào Luật Giáo dục và ban này cũng không nên có nữa.
Theo TS Dung, để lo việc học tập cho con cái là mối liên hệ trực tiếp giữa nhà trường và phụ huynh chứ không nhất thiết phải cần bên thứ ba là BĐDCMHS. Nếu có, ban này phải là tự nguyện, không nên thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Trịnh Anh Nguyên (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng các trường công cần có BĐDCMHS vì HS đông và cần nhiều hỗ trợ từ phụ huynh. Còn trường tư, HS ít, nhà trường có kinh tế hơn nên có thể bao quát hết được.
“Ngoài làm về pháp lý, tôi cũng là phụ huynh. Tôi cũng có mặt ở nhiều BĐDCMHS nhưng ở đâu không chuyên nghiệp tôi sẽ không tham gia. Tôi thấy ban này cần được tập huấn kỹ năng. Việc có hay không có ban này không quan trọng bằng nó hoạt động như thế nào. Do đó, luật cần quy định rõ ràng” - bà Nguyên nói.
Cùng vấn đề này nhưng PGS-TS Phan Nhật Thanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng không nên bỏ BĐDCMHS này vì giáo dục hiện nay đang thực hiện xã hội hóa. Vai trò của ban sẽ cùng hỗ trợ, góp ý về chương trình, về cách để các cháu học tốt hơn chứ không phải lợi dụng quyền hạn để lạm thu.
Dưới góc độ quản lý trực tiếp, ông Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, lại đánh giá cao vai trò của BĐDCMHS ở trường và không nên bỏ điều lệ về BĐDCMHS trong luật. Vì nhiều hoạt động giáo dục thành công là nhờ có sự phối hợp tốt giữa phụ huynh và nhà trường thông qua BĐDCMHS.
Nhầm lẫn về tự chủ Nhiều người đang nhầm lẫn tự chủ tài chính với vấn đề tự tìm nguồn thu ở giáo dục phổ thông. Ở bậc học từ tiểu học đến THPT bắt buộc phải từ ngân sách nhà nước, các trường chỉ nên dừng lại phân phối, kiểm soát nguồn thu. Không nên yêu cầu hiệu trưởng phải tự đi kiếm nguồn thu cho trường mới là tự chủ tài chính. Như thế Nhà nước vừa chối bỏ trách nhiệm của mình và cũng gây hiểu lệch lạc khái niệm tự chủ và xã hội hóa giáo dục. Vì vậy, trong luật phải quy định rõ việc này mới có thể triển khai thực tế được. PGS-TS NGUYỄN VĂN VÂN |