Từ mấy chục năm nay chúng ta đánh giá giáo viên theo những tiêu chí chưa phù hợp. Đơn cử là để đạt danh hiệu giáo viên giỏi thì việc đánh giá dựa trên các tiết dạy đã được chuẩn bị công phu mà không dựa trên “sản phẩm” của họ chính là HS. Tôi biết có nhiều giáo viên có nhiều giải thưởng và danh hiệu này nọ nhưng HS thì rất ngán ngẩm với giáo viên ấy.
Giảng dạy thời nay không còn là truyền kiến thức nữa
Còn cơ chế lương thì sao? Chúng ta trả lương theo thâm niên. Có trường hợp một cô giáo trẻ mới ra trường, rất nhiệt huyết, đầy kỹ năng, năm nào cũng được giải quốc gia nhưng lương chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Trong khi có thầy giáo khác cùng trường, thâm niên cao, lương 7 triệu đồng/tháng mà bao nhiêu năm không có một thành tích nào, một giải thưởng nào! Làm sao người trẻ có động lực phát triển nữa?
Với mức lương hiện nay mà yêu cầu giáo viên phải tâm huyết và toàn tâm toàn ý với nghề thì thật khó.
Có đến 90% giáo viên hiện nay cần bổ sung phương pháp giảng dạy bởi HS của họ là thế kỷ 21 nhưng họ lại được đào tạo từ thế kỷ 20. Thậm chí các giáo viên mới ra nghề cũng yếu kỹ năng giảng dạy. Đa phần chưa chủ động học tập nâng cao chuyên môn và chờ tập huấn bắt buộc.
Trong kỳ thi giáo viên sáng tạo vừa rồi, hễ sản phẩm nào tốt là biết có bàn tay của HS làm và chính giáo viên cũng xác nhận điều ấy. HS bây giờ nhanh nhạy và giỏi hơn cả thầy cô mất rồi!
Giảng dạy thời nay không còn là truyền kiến thức nữa vì kiến thức luôn được cập nhật và thay đổi. Cốt lõi của việc dạy học bây giờ là truyền cho các em động lực để các em hứng thú với việc tìm kiếm kiến thức, định hướng học tập và tổ chức hoạt động phát triển năng lực thế kỷ 21.
Quy định một đằng, thực hiện một nẻo
Không chỉ giáo viên vướng vào việc dạy thêm mà các trường công lập cũng thế. Nhiều năm nay các trường dạy thêm theo quy định và được gọi là “buổi 2”. Trong quy định cho phép phụ đạo HS yếu và bồi dưỡng HS giỏi. Tuy nhiên, quy định này bị lạm dụng, trở thành bắt buộc 100% HS phải học buổi 2. Giáo viên cũng bị bắt đi dạy buổi 2 và không phải ai cũng muốn.
Quy định cũng ghi rõ là giáo viên không được dạy thêm cho chính HS của mình. Quy định là thế nhưng không thể kiểm tra, xử lý. Có năm việc kiểm tra này làm mạnh tay thì lại trở thành tệ hại: Giáo viên dạy thêm bị địa phương lập biên bản khiến cộng đồng phải lên tiếng. Rất khó để thực hiện đúng quy định.
Vì thế cứ đầu năm học, giáo viên nào muốn mở lớp thường cho làm một bài kiểm tra trình độ đầu năm, điểm đương nhiên rất tệ. Và thế là muốn sống sót phải học thêm thôi!
Về việc tiền lương quả thật là bài toán vô cùng nan giải. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đang đề nghị xã hội hóa giáo dục. Các trường công lập sẽ phải thi đầu vào để những HS nghèo muốn được học công lập phải học thật giỏi. Nhà nước không bao sân giáo dục toàn bộ mà chỉ tập trung cho giáo viên công lập sẽ giảm gánh nặng tiền lương. Các trường dân lập và công lập tự chủ phải tạo được thương hiệu để thu hút HS. Từ đó đối tượng giáo viên nào cũng phải cố gắng học tập và nâng cao tay nghề để tồn tại. Không thể có sự cào bằng về lương và năng lực. Khi giáo viên giỏi lên và sống được bằng lương họ sẽ toàn tâm toàn ý trong tiết dạy, không cắt xén nội dung mang ra lớp học thêm do đó không cần dạy thêm nữa. Phụ huynh khi ý thức đúng về mục tiêu của giáo dục và hiểu được năng lực cũng như nhu cầu của con mình cũng sẽ không còn chạy đua với điểm số nữa, đồng nghĩa với việc không cần học thêm nữa.
Nghề khác làm thêm không sao, giáo viên dạy thêm thì bị dè bỉu! (PL)- Một người mới vào nghề, theo đúng quy định, lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Người có thâm niên lâu năm cũng chỉ tầm 8 triệu đồng/tháng. Cứ nhìn vào đấy thì biết, người ta không làm cái này hay cái khác thêm thì làm sao đủ sống. Đương nhiên, về đạo đức, về lý thuyết, ta có thể nói chọn nghề là việc của giáo viên, đâu có ai bắt ai ép đâu mà than. Lương thấp thì đi làm việc khác chứ sao lại đổ thừa lương thấp rồi tìm cách dạy thêm... Nhưng về thực tế, không thể dùng đạo đức hay lý thuyết để kêu gọi được. Tiền học thêm cả triệu đồng/tháng/HS. Chỉ cần dạy vài HS thôi là thu nhập đã khác lắm rồi. Ai mà không muốn có thu nhập! Cấm kiểu gì thì cấm, nhu cầu tự nó sẽ sinh ra nhiều cách để thỏa mãn, để vượt rào. Giải pháp gì thì tôi chịu, đấy là cơ quan quản lý phải tính chứ giáo viên họ chỉ biết mỗi tháng phải kiếm hơn chục triệu đồng thì mới tạm đủ lo đời sống gia đình. Nghề nào cũng làm thêm được, không sao, còn được tiếng là siêng, là “chịu cày”. Như tôi có người nhà làm kế toán, cứ mang hồ sơ về làm, thu nhập thêm cũng khá lắm, còn được khen, mà mình dạy thêm thì nghe dè bỉu. (Một giáo viên ở quận Tân Phú) Nâng lương bao nhiêu cho đủ? Bao nhiêu là đủ? Chẳng bao giờ là đủ cả. Tôi đảm bảo dù có nâng lương đến 10 triệu, 20 triệu đồng, hay hơn thế nữa, người muốn thêm thì vẫn tìm cách để thu thêm. Mà không lẽ nâng lương giáo viên mà không nâng lương cán bộ, công chức hành chính khác thì sao được? Nâng hết thì ngân sách có tiền đâu mà đủ. Có nhiều nghề để lựa chọn. Nghề nào cũng có bộ lọc của nó. (Một hiệu phó trường THCS tại quận 3) |