Tranh cãi xung quanh phim Em và Trịnh

(PLO)-  Sau hơn một năm tạm hoãn vì dịch COVID-19, bộ phim Em và Trịnh đã chính thức trình làng trong sự mong đợi của khán giả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với kinh phí hơn 50 tỉ đồng, bộ phim quy tụ dàn diễn viên hùng hậu qua nhiều thế hệ. Từ NSƯT Trần Lực - vai Trịnh Công Sơn thời trung niên đến Avin Lu - vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ.

Đặc biệt, nhà sản xuất cùng êkíp còn gây bất ngờ khi tung hai phiên bản với thời lượng khác nhau. Em và Trịnh dài 136 phút, tái hiện cuộc đời nhạc sĩ thập niên 1950-1990. Trịnh Công Sơn dài 95 phút, tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ với những mối tình thanh xuân.

Tuy nhiên, bên cạnh sự háo hức mong đợi cùng những lời khen ngợi sau khi phim ra mắt thì cũng có không ít ý kiến tranh cãi về diễn xuất cũng như những cách phát hành của phim nói về người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.

Hình ảnh, âm nhạc là điểm sáng

Với hơn năm năm chuẩn bị, 65 ngày quay, bối cảnh trải dài từ Huế, Đà Lạt và TP.HCM, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khiến khán giả không khỏi nức lòng bởi những hình ảnh đẹp và rất thơ, bối cảnh xây dựng đầu tư, kỳ công.

Một cảnh quay của Avin Lu và Bùi Lan Hương đóng Trịnh Công Sơn thời trẻ và Khánh Ly. Ảnh: GALAXY

Một cảnh quay của Avin Lu và Bùi Lan Hương đóng Trịnh Công Sơn thời trẻ và Khánh Ly. Ảnh: GALAXY

Hình ảnh TP.HCM đầu thập niên 1990 được khắc họa qua bóng dáng Nhà hát TP, chợ Bến Thành, nhà hàng nổi bên bến Bạch Đằng, dinh Độc Lập... Hay xứ Huế những năm 1960 với gác Trịnh, cầu Tràng Tiền cũng được xây dựng đậm màu sắc hoài niệm.

Quãng thời gian Trịnh Công Sơn dạy học ở B’ Lao (Lâm Đồng), cảnh trường học mái lá đơn sơ giữa núi đồi được nhấn nhá bằng những cú đại cảnh. Đạo diễn cũng chú trọng những tiểu tiết mỹ thuật ở đạo cụ, từ vé tàu, bao thư, hộp đựng kỷ vật đến những tờ nhạc ố màu thời gian.

Sự khéo léo trong việc xử lý hình ảnh bám sát ca từ nhạc Trịnh của Phan Gia Nhật Linh đã đưa người xem qua những cung bậc cảm xúc khác nhau và lột tả được hết vẻ đẹp của chuyện tình chàng Trịnh cùng Diễm Xưa, Dao Ánh.

Phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì âm nhạc được xem là linh hồn của bộ phim qua bàn tay của Đức Trí. Hơn 40 ca khúc được lồng ghép khéo léo để gợi lại chặng đường của người nhạc sĩ tài hoa.

Xuyên suốt phim, âm nhạc vang lên qua giọng hát của các diễn viên chính hay qua băng cassette radio. Loạt ca khúc Hạ trắng, Nắng thủy tinh, Ướt mi... được thể hiện bởi Bùi Lan Hương (vai Khánh Ly), Nhật Linh (vai Thanh Thúy), Avin Lu (vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ) khiến người xem được nhìn một thời thơ mộng nhưng không kém phần ảm đạm của người nhạc sĩ.

Giống những bộ phim trước đó, Phan Gia Nhật Linh luôn biết phát huy thế mạnh của mình đối với từng thước phim trong Em và Trịnh. Những hình ảnh khắc họa rất chân thật, sống động đưa người xem trở về giai đoạn 1960-1990.

Giọng Huế “giả” gây tranh cãi dữ dội

Đến với Em và Trịnh, bên cạnh những lời khen ngợi hình ảnh, âm nhạc thì việc nói giọng Huế của Avin Lu và NSƯT Trần Lực đảm nhận vai Trịnh Công Sơn đã dấy lên không ít tranh cãi từ khán giả yêu phim.

Có thể thấy cả hai diễn viên đều là người gốc Hà Nội và việc nói giọng Huế đã gây nên không ít khó chịu đối với khán giả.

Trong bài bàn luận về Em và Trịnh, nhà báo Lê Thanh Phong - người con xứ Huế chia sẻ: “Trần Lực xuất hiện đầu phim, chỉ mấy câu giả giọng Huế cẩu thả đã làm mất cảm tình người xem. Chưa kể suốt bộ phim, những ký ức của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được “tự sự” lại bằng một loại giọng của ai đó, không phải của Sơn.

Giọng giả tạo đó không phải giọng Huế, chẳng phải Quảng Trị, không phải Quảng Bình và cũng không phải Quảng Nam. Vì cố giả giọng cho nên khi đọc, khi nói không còn cảm xúc, chỉ thấy toàn đồ giả, cảm xúc giả.

Vì giả giọng quá kém nên không nghe được, nếu như không có phụ đề thì người xem bỏ qua nhiều lời thoại đúng ra cũng đáng để nghe.

Người có chút hiểu biết về ngữ âm càng thấy khó chịu. Giọng Huế không nói “cái mặt” mà “cái mặc”, “ăn” thành “ăng”, “hát” thành “hác”. Nhưng giọng của Trịnh Công Sơn trong phim thì quá chuẩn phụ âm cuối, cái chuẩn đó lại không ra Sơn, không ra Huế”.

Với Avin Lu, dù được khen ngợi nói gần giống hơn nhưng còn quá xa để ra được giọng Huế.

Trên các diễn đàn bàn luận về phim, hầu hết khán giả sau khi xem phim lên tiếng chỉ trích về vấn đề giả giọng của các diễn viên.

Bên cạnh đó, không ít khán giả cho rằng tại sao nhà sản xuất, các diễn viên không chọn lồng tiếng để bộ phim có sự hoàn hảo nhất định, để có thể tránh được tranh cãi không đáng có.

Nói về vấn đề này, Avin Lu cho biết: “Theo tôi, lồng tiếng không đem lại cảm xúc hiệu quả nhất cho nhân vật. Người lồng tiếng không trải qua giai đoạn nhập vai, không ở trong hoàn cảnh đó nên không thể cảm nhận, diễn tả hết được. Thà rằng mình nói không giống giọng Huế nhưng mình làm được, truyền tải được tinh thần, cảm xúc của nhân vật, đó mới là điều quan trọng.

Cũng giống đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lúc chọn diễn viên, anh ấy không tìm người giống bác mà tìm người thể hiện được tinh thần của bác. Chứ chuyện có một giọng để lồng tiếng thì quá dễ dàng nhưng cái tôi muốn là thể hiện được tinh thần của bác trong hoàn cảnh đó”.

Trước đó, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng chia sẻ: “Ví dụ như lồng tiếng… ngay cả giọng Huế của ngày xưa cũng khác với ngày nay. Trong quá trình thử lồng tiếng thì người chuyên nghiệp không đạt được giọng Huế như gia đình mong muốn, người nói được giọng Huế thì lại không chuyên nghiệp”.

Ra mắt hai phim là tâm huyết hay “chiêu trò”?

Ngay khi ra mắt, Em và Trịnh của Phan Gia Nhật Linh khiến khán giả không khỏi bất ngờ khi phim được phát hành đến hai bản phim.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam có một dự án chọn hướng đi khác thường. Tuy nhiên, sau những ngày đầu công chiếu, không ít khán giả “bật ngửa” và cho rằng phim tuy “hai mà một”.

Tức Em và Trịnh là bản phim dài. Đem cắt đi 40 phút thì sẽ cho ra Trịnh Công Sơn. Việc kỷ lục làm hẳn hai phim phát hành cùng lúc hóa ra không có gì khó. Sau khi xem cả hai phim, không ít khán giả nhận thấy Trịnh Công Sơn đâu có mỗi cảnh mô tả giấc mơ của nhạc sĩ khi đang bị ốm là không có trong Em và Trịnh.

40 phút thêm vào chính là chuyện tình của nhạc sĩ với Michiko. Trịnh Công Sơn chẳng qua là những đoạn hồi tưởng của nhạc sĩ trong khi trò chuyện cung cấp tư liệu cho Michiko làm luận văn thạc sĩ.

Một số người xem cũng bày tỏ “may mắn” vì đã xem bản phim ngắn trước chứ ngược lại thì còn thấy tiếc thời gian hơn nữa vì những gì họ vừa xem xong lại được tua lại. Phim không dở nhưng dứt khoát không hay đến nỗi vừa xem xong đã muốn xem lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm