Tranh kiếng gợi nhớ một Sài Gòn chưa xa

Có lẽ chủ nhân chiếc xe SH mới đi đến khu bán tranh này tậu bức tranh dùng để trang trí nhà mới hay tặng tân gia cho nhà bạn bè. Đây là một cách tặng quà tân gia thuộc dạng “khu phố văn hóa” hay “gia đình văn hóa mới” cũng khá là… văn hóa. Khi có một cơn gió của mùa mưa đầu thổi tung tờ giấy bao bức tranh thì tôi thấy đó là một bức tranh vô cùng rực rỡ xanh, đỏ, tím, vàng mà lúc trước người bình dân thường gọi là tranh sơn thủy.

Trong xóm nghèo ở vùng Chợ Lớn ngày xưa đó, rất nhiều bàn thờ gia đình ngoài cặp lư đồng được xem là sang trọng bậc nhất bên cạnh bát hương thìbức tranh sơn thủy được treo chễm chệ chính giữa. Nhà tôi cũng không thể khác vì bức tranh sơn thủy làm cho căn nhà có vẻ sang trọng như mọi gia đình khác vì sự xinh đẹp, nên thơ hơn trong mọi thứ hỗn tạp lập thể của bàn ghế vàvật dụng linh tinh. Khách vừa bước chân qua ngưỡng cửa liền thấy ngay bức tranh sơn thủy rực rỡ màu sắc đầu tiên, dầu sao cũng vui mắt hơn để tìm một cái ghế nào đó còn đủ chân cẳng để thượng cái bàn tọa.

Phải chăng những ngôi nhà khang trang của những chủ nhân giàu có treo tranh này để nhớ lại thời kỳ hàn vi?

Nói vòng vo tam quốc vậy cho có vẻ ghê gớm chứ thật ra tranh sơn thủy chỉ là một tấm tranh vẽ trên kiếng với hình ảnh một mái nhà bên dòng sông hay cái ao con con, có chiếc cầu khỉ bắc ngang, phía xa xa trước rặng núi hùng vĩ là một cánh đồng vàng bát ngát trĩu lúa trúng mùa, có chú mục đồng ngồi lưng trâu thổi sáo (hay ống tiêu chẳng biết, chỉ thấy cái que dài dài; nhìn hình ảnh chú mục đồng tôi lại nhớ bài hát của Phạm Duy: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ...” mà tội nghiệp cho đứa trẻ nào mơ ước làm theo bài hát do nhạc sĩ này “thả thính”). Những bức tranh sơn thủy khác có bố cục khác hơn nhưng cũng chỉ với bao nhiêu hình ảnh quen thuộc của thôn quê miền Nam: ngôi nhà tranh, cái cầu khỉ, con sông hay con mương có cái cầu ao, lúa vàng, những ngọn cây xanh, phía xa xa làrặng núi. Nói một cách tổng quát tranh sơn thủy là tranh vẽ có nước (thủy), có núi (sơn). Tất cả được vẽ bằng sơn và màu nguyên không pha trộn thêm sắc trắng - rực rỡ màu sắc, làm sáng rực cái bàn thờ trong ngôi nhà… lá, nhà gỗ hay nhà tường.

Đối với người am hiểu nghệ thuật hội họa, tranh sơn thủy là một loại tranh rẻ tiền, chẳng có chút nghệ thuật tí ti ông cụ nào. Mà đúng như vậy thật vì loại tranh sơn thủy này chỉ hạp với người bình dân bằng con mắt núi sông như thế này. Trước hết, có lẽ đó là lòng hoài niệm quê hương ở một nơi của miền Nam sông nước nào đó khi họ đã lập nghiệp ở vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định quá lâu mà quê hương với hình ảnh con cò, cái cầu khỉ chỉ còn trong trí tưởng tượng. Treo một bức tranh giữa bàn thờ để nhìn lại cánh cò, ngọn núi, cầu ao, con trâu cho đỡ nhớ nơi mình chôn nhau cắt rốn mỗi khi thắp nén nhang cho tổ tiên. Hay là sâu xa hơn, nhìn tranh sơn thủy để nhớ núi, nhớ sông của nước Việt nhà vì quê hương chính là núi và nước. Mộc mạc và giản dị thế thôi.

Những tưởng những loại tranh được cho là tranh bàn thờ, tranh “hậu bờ hồ” (Hà Nội), tranh Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) đã tuyệt tích theo nhịp sống thời đại và sự tiến bộ của thị hiếu mỹ học nghệ thuật nhưng loại tranh sơn thủy này vẫn còn được vẽ, bày bán ở khu vực bán tranh đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhiều nhất ở đường Trần Phú. Trước kia là tranh vẽ trên kiếng, bây giờ làtranh sơn dầu khổ to và cũng là con sông, cái cầu ao, ngôi nhà tranh không thay đổi. Một chút suy nghĩ rời có phải chăng những ngôi nhà khang trang của những chủnhân giàu cótreo tranh này đểnhớlại thời kỳ hàn vi của mình - thời kỳ mà nông thôn không biết đến phong trào “nông thôn mới” đồng loạt theo chỉ đạo (?) hay là vì không có “gu” thẩm mỹ vì từ nhỏ đã thấy gia đình treo một bức sơn thủy to tướng trên bàn thờ.

Nói thêm, có lần đến thăm một gia đình ở khu Bolsa của quận Cam (California), tôi thấy gia chủ treo một bức tranh sơn thủy bằng sơn dầu và tôi bỗng chợt nhớ Sài Gòn da diết với ngôi nhà của mình trong vùng tuổi thơ mà cặp mắt phủ đầy tranh màu núi, nước…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm