Thay áo mới cho những bức tường ở Sài Gòn

Chiều 21-3, các tình nguyện viên của Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) cùng đại diện Đoàn phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM đã bắt tay vẽ hình ảnh con tê giác lên bức tường ở 60 Lê Thị Riêng.

Những bức tường biết nói

Đây là hoạt động chính trong chương trình “Vẽ tranh tường nghệ thuật bảo vệ động vật hoang dã”, một hoạt động nổi bật trong khuôn khổ chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác” do CHANGE phối hợp với Quận đoàn quận 1 tổ chức nhằm tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ tê giác.

Chị Thới Thị Châu Nhi (27 tuổi), Giám đốc Chương trình CHANGE/WildAid Vietnam, người đưa ra ý tưởng thực hiện dự án này, chia sẻ chị bắt đầu lên kế hoạch vẽ tranh từ hơn một năm trước trong một lần tình cờ đi qua những con hẻm ở Sài Gòn.

“Những bức tường lúc đó chỉ là lớp xi măng hoặc vài hình ảnh, câu chữ mà người ta vẽ lên thôi. Lúc đó tôi mới nghĩ hay là mình vẽ hình ảnh mang nhiều ý nghĩa hơn, ai đi qua cũng có thể nhìn thấy. Công việc của tôi liên quan đến bảo vệ động vật quý hiếm nên tôi nghĩ đến việc vẽ tê giác” - chị Nhi chia sẻ.

Chị Nhi cùng mọi người lên kế hoạch và thành lập một nhóm chuyên hoạt động về dự án này. Nguồn kinh phí chủ yếu nhờ vận động, quyên góp từ nhiều nguồn khác nhau. Họa sĩ tham gia vẽ tranh có cả người Việt Nam và người nước ngoài. Mỗi họa sĩ với cảm nhận của mình sẽ mang về những bức tranh đa dạng nhưng cùng chung thông điệp bảo vệ tê giác.

Anh Lê Ngọc Huy, Phó Bí thư Đoàn phường Bến Thành,  chia sẻ: “Đoàn phường quyết định cùng nhóm CHANGE vẽ hình tê giác lên tường với hy vọng là người dân trên địa bàn phường sẽ có thêm ý thức về việc cùng chung tay bảo vệ động vật quý hiếm. Việc vẽ tranh như vậy cũng gần gũi với người dân hơn là chỉ đi tuyên truyền”.

Bức tranh tê giác đang được hoàn thiện tại vòng xoay Điện Biên Phủ, quận 1. Ảnh: Châu Nhi

Người dân hào hứng

Chị Châu Nhi kể ban đầu khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhiều người dân chưa hiểu nên bảo cả nhóm “rảnh quá mới đi vẽ vời”. Nhưng sau này, khi quan sát thấy bức tranh hoàn thành, họ hào hứng hẳn ra.

“Có trường hợp lúc tụi mình tới vẽ ở hẻm 26 Nguyễn Huy Tự, ngay dưới chân cầu Bùi Hữu Nghĩa, mình xin phép chủ của bức tường đó thì họ đồng ý. Nhưng cô hàng xóm kế bên, nhà có cánh cửa hướng ra bức tường, lại không chịu. Cô bảo bao lâu nay cô quen nhìn như vậy rồi nên không cho vẽ. Thế là tụi mình chỉ vẽ bức tường kế bên thôi. Nhưng sau khi vẽ xong, cô lại cho phép tụi mình vẽ tiếp. Một số người khác thấy vui vì bức tường vốn dơ bẩn nay lại được làm sạch sẽ còn vỗ tay hoan hô rồi mua nước, mua đồ ăn tiếp tế cho cả nhóm. Họ còn kéo con cái trong nhà ra để giúp nhóm cùng vẽ” - chị Nhi kể.

Chị Trương Bảo Nhi, một người dân sống gần con hẻm 60 Lê Thị Riêng, chăm chú nhìn các bạn trẻ và họa sĩ loay hoay vẽ, nói: “Lâu nay cứ nghe nói bảo vệ tê giác đồ nọ kia nhưng nói thật là không hào hứng lắm đâu. Giờ thấy mấy đứa nhỏ nhiệt tình như vậy cũng hình dung ra được thông điệp của bức tranh rồi, thấy hay hay!”.

Không chỉ người lớn thích thú, nhiều trẻ nhỏ khi đi ngang qua cũng chạy tới xin được vẽ cùng các họa sĩ. “Như cuối tuần qua, khi thấy bọn mình đang vẽ ở góc đường Nguyễn Văn Thủ - Phan Kế Bính, có mấy em nhỏ chạy tới hỏi rồi xin vẽ cùng. Chúng tôi luôn cố gắng để mọi người tham gia vào hoạt động ý nghĩa này nên để họa sĩ phác họa trước rồi cho các em vẽ theo, có thể là vẽ hoa cỏ xung quanh bức tranh” - chị Châu Nhi kể.

Phó đại sứ Anh cùng xắn tay áo vẽ tranh tê giác

Chiều 21-3, ông Steph Lysaght, Phó Đại sứ Anh, cũng đã đến tham gia sơn lại bức tường và vẽ tranh tê giác cùng nhóm họa sĩ tại địa chỉ 60 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM (ảnh). Ông Steph Lysaght biết đến thông tin này qua nhiều trang mạng và muốn được tham gia cùng nhóm." Đây là một hoạt động rất ý nghĩa để mọi người dân cùng nâng cao ý thức bảo vệ các loài động vật quý hiếm, trong đó có tê giác" - ông chia sẻ.

Thay áo mới cho những bức tường ở Sài Gòn ảnh 2
Ảnh: THANH TUYỀN

______________________________

Theo thống kê, số lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95% trong vòng 40 năm qua, chỉ còn 25.000 cá thể tê giác trong tự nhiên.

Hiện Trung Quốc và Việt Nam được coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng năm 2010.

(Trích thông cáo báo chí của CHANGE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm