Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật JVE (viết tắt là JVE), đơn vị đang triển khai xử lý thí điểm ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ của Nhật Bản, vừa có ý kiến về văn bản báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM với UBND TP.HCM, trong đó có nội dung phủ nhận công nghệ xử lý nước của JVE.
“Nhận xét chưa khách quan”
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 16-8. Ông Tuấn Anh cho hay phía đơn vị không chủ động giới thiệu công nghệ để xử lý ô nhiễm nước một số kênh rạch ở TP.HCM. “Hồ sơ giới thiệu công nghệ này là do một cán bộ của TP.HCM đề nghị nên đơn vị chúng tôi mới gửi” - ông Tuấn Anh nói. Ông cho rằng Sở TN&MT TP.HCM có văn bản phủ nhận công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Nhật Bản mà JVE đang triển khai là không hợp lý, thiếu khách quan.
Chiều cùng ngày, phía JVE thông tin thêm: Các chuyên gia tại Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản cũng cho rằng phía Sở TN&MT TP.HCM đã có báo cáo chưa chính xác về công nghệ xử lý nước Nano-Bioreactor. Trong đó tập trung vào các vấn đề chính như khả năng cung cấp ôxy; khả năng phân hủy bùn và các chất ô nhiễm trong nước…
Về phía Sở TN&MT TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc sở này, cho biết hiện Công ty JVE mới chỉ gửi hồ sơ giới thiệu công nghệ để xử lý nước của các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, 19/5, rạch Xuyên Tâm. Trên thực tế, phía Sở TN&MT cũng chưa gặp công ty này. “Việc có đánh giá trên là dựa vào hồ sơ do UBND TP.HCM chuyển để chúng tôi có nghiên cứu và tìm hiểu thêm. Sau đó, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành và có ý kiến ban đầu để tham mưu ủy ban về ý kiến đề xuất của Công ty JVE” - bà Mỹ thông tin.
Trước đó, ngày 9-8, Sở TN&MT TP.HCM đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về đề xuất xử lý nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm và kênh 19/5 của phía Công ty JVE. Theo đó, Sở TN&MT đưa ra hàng loạt nhận định về công nghệ Nhật Bản mà JVE giới thiệu. Như không thể có khả năng cung cấp ôxy “vô tận” vì thiết bị hoạt động (máy tạo khí) cần cung cấp điện năng để hoạt động; khó hiệu quả xử lý ô nhiễm nước kênh rạch vì đây là dòng nước luân chuyển và có khả năng tái ô nhiễm sau khu vực đặt thiết bị là rất cao.
Sở TN&MT TP.HCM cũng cho rằng việc đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải bằng thiết bị Nano-Bioreactor là chưa có cơ sở, vì ngay các nước tiên tiến (kể cả Nhật) vẫn đang sử dụng các trạm xử lý nước thải… Theo đó, Sở TN&MT đề nghị UBND TP.HCM chờ kết quả xử lý thí điểm ô nhiễm sông Tô Lịch tại Hà Nội, từ đó có số liệu đánh giá khách quan hơn về công nghệ xử lý nước ô nhiễm của JVE.
Xuyên Tâm là một trong những con rạch ô nhiễm nhất ở TP.HCM hiện nay. Ảnh: HL
Phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện
Về việc gửi hồ sơ giới thiệu để xử lý nước các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm và kênh 19/5 ở TP.HCM của Công ty JVE, GS-TSKH Lê Huy Bá, khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhận định: “Theo tôi, nên chờ kết quả thử nghiệm với các số liệu cụ thể, tiếp cận các số liệu quan trắc để có thể đánh giá một cách khách quan. Xem ưu và khuyết điểm của việc xử lý nước ở sông Tô Lịch”.
Ông Bá cho rằng cần xem xét thêm việc lựa chọn công nghệ xử lý nước có phù hợp với điều kiện kinh tế hay phù hợp với địa lý, thổ nhưỡng và môi trường ở TP.HCM không. Ví dụ ở Hà Nội không có hiện tượng đất lún như ở TP.HCM. Bên cạnh đó, sông Tô Lịch tốc độ chảy của nguồn nước rất chậm, còn ở Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoặc rạch Xuyên Tâm khả năng chảy vẫn có và chảy hai chiều… Nền đất khác nhau, địa môi trường khác nhau, vấn đề ở đây là áp dụng công nghệ như thế nào để phù hợp.
Theo ông Bá, TP nên có xử lý cục bộ từng khu vực một, sau đó mới đưa về xử lý tập trung, khi đạt được mức độ cho phép, mức độ nước thải loại B trở lên mới được thải ra kênh, ở cuối kênh cũng phải có kiểm tra nước thải loại A mới được xả thải ra sông Sài Gòn. TP nên có hợp đồng quản lý, xử lý nước thải cho từng hệ thống kênh, đồng thời TP nên tính toán thêm mức chi phí để bỏ ra xử lý nước thải.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: Việc cải thiện nguồn nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm và kênh 19/5 là cần thiết và nên thực hiện ngay. Tuy nhiên, nếu chúng ta xử lý nước thải ở những con kênh này thì chỉ giải quyết ở phần ngọn, còn phần gốc là nên kiểm soát, xử lý môi trường từ ban đầu. TP nên kiểm soát, quản lý nguồn thải từ ban đầu, từ người dân, doanh nghiệp…, vấn đề liên quan về quan trắc, giám sát… Chính vì thế, TP nên có kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng.
Tắm nước sông Tô Lịch Liên quan đến kết quả xử lý nước sông Tô Lịch, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVS, cho hay dự kiến ngày 17-9, các chuyên gia tại Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản sẽ công bố. Kết quả này sẽ trải qua sự kiểm nghiệm, thống nhất của nhiều cơ quan khác nhau. Trước đó, vào ngày 8-8, chuyên gia của Nhật Bản trình diễn tắm, ngụp lặn tại bể chứa nước sông Tô Lịch sau khi xử lý thí điểm để chứng minh hiệu quả làm sạch ô nhiễm của công nghệ Nano-Bioreactor. |