Sáng 17-7, TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban thực hiện Chỉ thị số 19CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy (viết tắt là Chỉ thị 19) về thực hiện cuộc vận động “người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh, rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Tại hội nghị, quận Gò Vấp được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong công tác thực hiện cuộc vận động này.
Ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết quá trình hình thành các khu dân cư dọc bờ kênh, rạch đã có từ rất lâu, do đó dễ phát sinh các tình trạng xây dựng công trình trái phép ven kênh, rạch. Kèm theo đó là tình trạng đổ trực tiếp rác sinh hoạt, chất thải rắn, chất thải công nghiệp xuống kênh, rạch, nhất là tại tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Tuy nhiên, theo ông Khang, quận Gò Vấp đã triển khai công tác chỉ đạo xử lý tình trạng xả rác xuống kênh, rạch như tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, không thải bỏ rác xuống kênh, rạch, miệng cống thoát nước; tăng cường phát triển các cây xanh tạo cảnh quan dọc bờ kênh; tăng cường quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng tại các tuyến kênh, rạch;…
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đi thực tế bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: N.CHÂU
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng: Tinh thần của Chỉ thị 19 là cuộc vận động, đòi hỏi thực hiện kiên trì, bền bỉ, lâu dài, tạo sự chuyển biến từ nhận thức cho đến hành động của người dân. Khi thực hiện các hoạt động, chương trình về môi trường cần tiếp tục duy trì bằng nhiều hình thức.
Theo đó, ông Hoan đề nghị tất cả quận, huyện tập trung tuyên truyền người dân không xả rác ra đường, nơi công cộng, kênh, rạch. Vận động người dân lưu giữ rác trong nhà, chỉ mang ra khi có lực lượng thu gom, vận động người dân nhà mặt tiền đường, hộ kinh doanh giữ gìn vệ sinh phần trước nhà, vỉa hè. Trong quá trình thực hiện chỉ thị, đã có nhiều mô hình, giải pháp, cách làm hay, thực hiện có hiệu quả, cần nhân rộng để các địa phương cùng thực hiện. Từng sở, ngành, đơn vị cũng cần nắm rõ các mô hình, cách làm phù hợp để phổ biến, triển khai trong toàn ngành.
Bên cạnh đó, ông Hoan cho rằng khi tổ chức các chương trình, sự kiện, lễ hội cần bổ sung nội dung tổng vệ sinh là nhiệm vụ gắn liền với sự kiện để sau khi sự kiện kết thúc thì nơi tổ chức sạch sẽ, gọn gàng.
“Thành phố sẽ có kế hoạch kiểm tra việc xử lý các điểm đen về rác thải, những trường hợp lấn chiếm kênh, rạch, miệng cống, cửa xả; nghiên cứu, điều chỉnh tăng mức xử phạt vi phạm môi trường; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch giảm rác thải nhựa” - Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho hay.
Đặc biệt, ông Hoan cho rằng ngoài tiến hành triển khai nhanh dự án rạch Xuyên Tâm, TP cũng phải tập trung triển khai nhanh một số dự án, công trình trọng điểm như kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, do những con kênh này quá ô nhiễm.
Báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị 19, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: Sau tám tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 19 đã có 319/369 điểm đen về rác thải được xóa bỏ, chuyển thành khu sinh hoạt cộng đồng,… Trong thời gian tới, TP sẽ thực hiện công tác tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập gắn với chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo hoàn thành vào năm 2020. Ngoài ra, TP cũng sẽ thực hiện kết nối đồng bộ về thời gian giao, nhận rác giữa người dân và đơn vị thu gom, vận chuyển, đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm sử dụng túi nylon… |