Sáng 8-5, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM với sự tham dự của nhiều lãnh đạo TP và gần 700 đại biểu là các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Tám lý do để đầu tư vào TP
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết lần này TP công bố 210 dự án kêu gọi đầu tư là tập trung vào xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nhưng cũng rất cần những nhà đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu cả nước cũng như các nhà đầu tư phát triển các ứng dụng dịch vụ liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
“Vì sao các nhà đầu tư nên đến TP.HCM?” - ông Nhân đặt vấn đề và nêu ra tám lý do mà các DN nên đầu tư vào TP.HCM. Một trong những lý do là DN khi đầu tư tại TP.HCM sẽ có lượng khách hàng rất lớn để tiêu thụ sản phẩm, vì TP.HCM hiện nay có hơn 9,5 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người hơn 6.000 USD. Hay lý do TP.HCM hiện có đủ lao động để cung cấp cho các DN trong và ngoài nước tới TP. Lao động tại TP là lao động trẻ, được đào tạo có chất lượng cao và có kinh nghiệm. Mỗi năm ở TP.HCM có khoảng 150.000 sinh viên (trong tổng số 600.000 sinh viên của 59 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn) tốt nghiêp.
Mặt khác, ông Nhân cũng nhấn mạnh đến việc để hỗ trợ các DN, hiện TP đang suy nghĩ, định hình các cơ chế mới, trong đó đặc biệt là chuẩn bị đất cho nhà đầu tư. Ví dụ, TP đang định hình “cơ chế” ba bên: Người dân - nhà đầu tư - chính quyền cùng tạo nên những khu đất có hoạt động dịch vụ nằm trong các khu đô thị mới.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại hội nghị. Ảnh: Tá Lâm
Sẽ “gỡ” kẹt xe trước
Một trong những bất cập của TP.HCM hiện nay là tình trạng kẹt xe, ngập nước làm ảnh hưởng đến sản xuất, đầu tư. Ông Nhân khẳng định với các nhà đầu tư rằng vấn đề này đã được TP nhận diện rõ và có kế hoạch từng bước khắc phục. Như đang hình thành sáu tuyến tàu điện ngầm, triển khai các dự án đường trên cao, khép kín các tuyến đường vành đai… Trong đó, dự kiến năm 2021 sẽ đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. “Hiện quý DN thấy khó chịu về giao thông TP. Tôi mong quý DN “chia sẻ” với TP thêm vài năm nữa. Chúng tôi sẽ “gỡ nút” giao thông để quý DN hài lòng khi đầu tư vào TP” - ông Nhân nói.
Nói về rác thải, ông Nhân cho biết lượng rác sinh hoạt phát sinh ở địa bàn khoảng chín tấn/ngày và mong muốn các nhà đầu tư đủ năng lực, có kinh nghiệm cùng với chính quyền TP biến lượng rác trên thành điện. “Nếu DN nào muốn đầu tư để biến rác thành điện thì hãy đến TP” - ông Nhân mời gọi.
Trên lĩnh vực chỉnh trang đô thị, ông Nhân cho biết hiện 60% nhà ở trên địa bàn TP là bán kiên cố. Nhu cầu chuyển đổi sang nhà kiên cố là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, TP.HCM sẽ chỉnh trang đô thị, vừa tạo ra quỹ đất cho các hộ dân khác cũng như không gian phục vụ phát triển các ngành dịch vụ. “Việc này TP.HCM không làm một mình và rất cần sự hợp tác, chung sức của các nhà đầu tư” - ông Nhân nói.
TP đồng hành cùng DN
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đang trở thành một siêu đô thị và đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe… “Đây không chỉ là những trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của TP” - ông Phong nói và cho biết những vấn đề này đã được TP.HCM nhận diện nhưng hiện còn thiếu nguồn lực để tháo gỡ.
Theo ông Phong, tính toán giai đoạn 2016-2020, để đạt mức tăng trưởng GRDP 8%-8,5%, TP.HCM cần huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 78 tỉ USD. Trong đó, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản của TP khoảng 40 tỉ USD. Ông cho rằng đây là khó khăn và thách thức rất lớn đối với TP.HCM vì khả năng cân đối ngân sách TP chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.
Từ đó, người đứng đầu chính quyền TP.HCM kêu gọi các nhà đầu tư hãy đến đầu tư và cùng TP phát triển. “TP có trách nhiệm bảo vệ các lợi ích chính đáng của nhà đầu tư và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN cảm thấy yên tâm nhất khi đầu tư vào TP” - ông Phong nói.
Nên mở rộng lĩnh vực đầu tư
Tại hội nghị, nhiều DN đã tỏ thái độ mong muốn được đầu tư vào TP.HCM trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết HoREA và các DN bất động sản mong muốn được đầu tư vào nhiều dự án về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, thương mại dịch vụ... Ông cũng đề nghị UBND TP bổ sung thêm các dự án mời gọi đầu tư như dự án đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM, dự án Bình Quới - Thanh Đa, dự án Nam kênh Đôi, dự án rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ...
Ông Harold Chen, Phó Chủ tịch Alpha King, bày tỏ hy vọng được TP cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao số 1 và số 2. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, mong muốn được cùng các DN đầu tư, phát triển dự án quy hoạch khu đô thị sáng tạo ở phía Đông. Ông Linson Lim, Chủ tịch Tập đoàn Keppel Land (có trụ sở chính tại Singapore), mong muốn được TP tiếp tục hỗ trợ các DN nước ngoài giảm thiểu rủi ro đầu tư thông qua sự rõ ràng về chính sách, minh bạch về quy trình phê duyệt dự án...
Một số nhóm nhà đầu tư khác cũng đặt vấn đề được tìm hiểu đầu tư các dự án hạ tầng về đường giao thông, nạo vét kênh rạch; đề xuất thực hiện các dự án ngoài danh sách kêu gọi thuộc lĩnh vực công nghệ cao, xe buýt điện...
210 dự án với số vốn hơn 53 tỉ USD Tại hội nghị, chính quyền TP.HCM đã mời gọi đầu tư vào 210 dự án với tổng nhu cầu vốn gần 1,2 triệu tỉ đồng, tương đương 53,8 tỉ USD. Bốn lĩnh vực có số dự án mời gọi lớn nhất là giao thông (85 dự án, tổng vốn 41,9 tỉ USD), cơ sở hạ tầng (36 dự án, tổng vốn 4,9 tỉ USD), chỉnh trang đô thị (29 dự án, tổng vốn 2,1 tỉ USD) và văn hóa-thể thao (15 dự án, tổng vốn 3,1 tỉ USD). Một số dự án mời gọi đầu tư nổi bật như xây dựng tuyến đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa đến cầu Phú An) với tổng vốn 15.460 tỉ đồng; đường trên cao số 2, 3, 4, 5; xây dựng tuyến metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Tham Lương) với tổng vốn 18.321 tỉ đồng; cầu Thủ Thiêm 3, 4; cầu Cần Giờ; cầu Cát Lái... |