Trước nhiều ý kiến tranh luận về đặc khu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã nói rất nhiều và quyền quyết định thuộc về Quốc hội.
Ông cũng cho rằng phải lắng nghe đầy đủ các ý kiến, nhất là những phân tích đúng đắn.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng
Về việc dư luận phản ứng với việc thành lập đặc khu, trong đó có yếu tố ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đặc khu Vân Đồn, Bộ trưởng Dũng cho nói: Trong dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc hết. "Họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc”.
Theo ông Dũng, luật quy định các thành phần kinh tế bình đẳng, nhất là trong môi trường mở cửa, hội nhập thì càng phải bình đẳng, không hạn chế người này người khác.
“Mọi người đang hình dung tiêu cực. Mọi người đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc” - ông nói và nhấn mạnh chính sách của Việt Nam là bình đẳng không phân biệt. Không một ai có thể vào đây tự ý làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh thêm mọi người đang hiểu sai và có người cố tình hiểu sai trong việc thành lập các đặc khu kinh tế, hành chính. Cơ quan soạn thảo luật về đặc khu phải cầu thị lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa. Cái gì chưa rõ thì giải trình, giải thích.
“Phải làm khách quan, không sau này lịch sử phải trả lời lại trong thời khắc lịch sử ai là người phải chịu trách nhiệm, không phải cứ nói cho sướng mồm không có suy nghĩ, tư duy” - ông Dũng nói.
"Cái gì cũng sợ thì không làm được” - Bộ trưởng Dũng nói và dẫn phát ngôn của Đặng Tiểu Bình khi thành lập đặc khu Thâm Quyến tại Trung Quốc năm 1989 là “Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa”.
“Năm 1992 lại dấy lên trào lưu có ý kiến, Đặng Tiểu Bình lại nói câu trên. Và bây giờ câu đó được khắc trên bia đá ở Thẩm Quyến... Cái gì hay mình phải học, bất kể là ai. Trung Quốc hay mình cũng phải học Trung Quốc. Chúng ta có chủ quyền có độc lập, có trí tuệ thì sao cái gì cũng sợ. Phải chú ý lắng nghe nhưng đừng có quá sợ’ - ông nói.
Liên quan đến phương án cho nhà đầu tư thuê đất đặc khu thời hạn lên đến 99 năm trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Dũng cho hay: “Nếu có thể thì (dự luật) thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, thế nào mới được phép? Thứ hai là quy trình chặt chẽ và thẩm quyền quyết định phải cao hơn”.
Về cảnh báo của ĐBQH “không đánh đổi quốc phòng an ninh với kinh tế” khi thảo luận về luật đặc khu, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: “Trong thiết kế luật không hề có chủ đích đánh đổi quốc phòng an ninh lấy kinh tế. Nguyên tắc số một khi thiết kế luật này là phải đảm bảo quốc phòng an ninh”.