Diễn biến đáng chú ý trong phiên xử đại án OceanBank ngày 18-9 là phần bào chữa cho hai bị cáo Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn về cáo buộc vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đề nghị truy đường đi của 500 tỉ đồng
Luật sư (LS) bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm bồi thường số tiền 500 tỉ đồng mà Công ty Trung Dung vay của OceanBank.
Tại ngày xử 14-9, đại diện VKS cho rằng bà Hứa Thị Phấn là người thụ hưởng nên phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này cùng khoản lãi 201 tỉ đồng. Theo hồ sơ, bà Hứa Thị Phấn cam kết cho Phạm Công Danh mượn tài sản để bảo đảm cho khoản vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung (của Danh) tại OceanBank. Ngược lại, Phạm Công Danh cam kết chuyển toàn bộ số tiền này vào tài khoản phong tỏa mang tên Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh tại Ngân hàng Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn để thực hiện việc tái cơ cấu Đại Tín. Phạm Công Danh đã sử dụng số tiền vay của OceanBank để tất toán cho năm hợp đồng tín dụng của nhóm bà Phấn tại Đại Tín đúng như cam kết.
LS của Phạm Công Danh đã đề nghị HĐXX truy nguyên đường đi của dòng tiền nói trên. Đồng quan điểm với VKS, LS cũng đề nghị tuyên buộc bà Phấn phải chịu trách nhiệm về mặt dân sự đối với khoản tiền 500 tỉ đồng tiền gốc và các khoản lãi cho OceanBank.
LS khẳng định số tiền 593 tỉ đồng (bao gồm cả lãi) đã được ông Danh và Công ty Trung Dung chuyển vào tài khoản của năm khách hàng thuộc nhóm của bà Phấn để tất toán các khoản nợ cũ của bà Phấn tại Đại Tín. “Ông Phạm Công Danh và Trần Văn Bình (giám đốc Công ty Trung Dung) không chiếm đoạt hay sử dụng số tiền này” - LS nói.
Bị cáo Phạm Công Danh (ảnh phải) và bị cáo Hứa Thị Phấn tại tòa. Ảnh: THU NGUYỆT
Cạnh đó, LS cũng đề nghị tiếp tục kê biên và xử lý các tài sản của bà Phấn và những người liên quan đã cam kết đưa tài sản vào thế chấp đảm bảo cho khoản vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank, cùng với sáu bất động sản được sử dụng thế chấp cho các hợp đồng tín dụng của năm khách hàng thuộc nhóm bà Phấn. (Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang thu giữ, đưa vào xử lý trong vụ án này nhằm khắc phục hậu quả liên quan khoản vay của Công ty Trung Dung tại OceanBank nêu trên.)
Cũng theo LS, trong vụ án này bị cáo Danh tiếp tục kiến nghị các cơ quan tố tụng trung ương thu hồi số tiền hơn 3.600 tỉ đồng mà thực tế ông Danh đã chuyển cho bà Phấn... LS đồng thời đề nghị HĐXX xem xét lại việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với Phạm Công Danh với vai trò đồng phạm giúp sức cho Hà Văn Thắm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và cân nhắc mức hình phạt 16-17 năm tù theo đề nghị của VKS.
Bà Hứa Thị Phấn bị ép cho mượn tài sản?
Trong khi đó, LS bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn lại cho rằng việc VKSND Tối cao truy cứu TNHS, trách nhiệm dân sự bà Phấn đối với khoản vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank với vai trò đồng phạm tích cực là “không đúng người, không đúng tội và không phù hợp với chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng như quy định pháp luật”.
Theo LS, Công ty Trung Dung thực chất là công ty thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh. Bà Phấn không bàn bạc, không tự nguyện cho mượn tài sản; không cùng ý chí, không cùng thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cho vay đối với khoản vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank. LS cũng cho rằng Hà Văn Thắm đã ép bà Phấn buộc phải cho Tập đoàn Thiên Thanh mượn tài sản để thế chấp, cầm cố tại OceanBank.
Dẫn lại lời khai của bà Phấn, LS cho rằng toàn bộ số tiền 500 tỉ đồng nói trên cũng như toàn bộ số tiền lãi gửi tiết kiệm phát sinh từ số tiền này đều do Phạm Công Danh quản lý, định đoạt và sử dụng. Ông Danh cũng chính là người thụ hưởng những lợi ích từ việc sử dụng số tiền này. “Ông Danh đang thi hành án hình sự nhưng tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Danh vẫn còn, Tập đoàn Thiên Thanh vẫn đang hoạt động hằng ngày. Chính vì vậy ông Danh hoàn toàn có đủ khả năng để chịu trách nhiệm đối với khoản vay 500 tỉ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank” - LS nói.
LS cũng chứng minh tài sản của bà Hứa Thị Phấn cho mượn là tài sản hợp pháp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét, chấp thuận tuyên bà Phấn không phạm tội và đình chỉ vụ án đối với bà” - LS của bà Phấn nói.
Hôm nay (19-9), phiên xử tiếp tục với phần bào chữa của các LS.
“Sai lầm chết người” của Phạm Công Danh Phạm Công Danh biết Ngân hàng Đại Tín đang ở trong tình trạng nguy kịch (Đại Tín rơi vào nhóm chín ngân hàng phải tái cơ cấu, vốn chủ sở hữu bị âm gần 3.000 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu lên đến 95%) nhưng vẫn nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín. Giải thích lý do, LS Phan Trung Hoài dẫn lại lời khai của bị cáo này. Theo đó, Phạm Công Danh trả tiền không phải để mua ngân hàng này mà là để mua các bất động sản của nhóm khoảng 30 doanh nghiệp trong này (bà Phấn nói rằng bà đại diện cho nhóm 30 công ty). Ông Danh định giá các bất động sản đó có giá trị và khi thị trường bất động sản tốt lên sẽ bán được (trong đó có hai bất động sản ở quận 2 và huyện Nhà Bè, TP.HCM) và sẽ có tiền để tái cơ cấu ngân hàng. “Đây có thể nói là sai lầm chết người của ông Phạm Công Danh vì thực tế số tài sản nói trên không chuyển nhượng được, bởi 30 doanh nghiệp kia không ủy quyền cho bà Phấn và cũng không chịu ủy quyền cho ông Danh. Trong khi đó, ông Danh đã thanh toán hơn 3.600 tỉ đồng vào tài khoản của bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín” - LS Hoài nói… Trong khi đó, LS của bà Hứa Thị Phấn cho rằng trước sức ép của ông Đặng Văn Thảo (chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó) và Hà Văn Thắm, ngày 23-2-2012, bà Phấn và các cổ đông còn lại buộc phải ký hợp đồng kinh tế để chuyển nhượng 84,92% cổ phần Ngân hàng Đại Tín cho Hà Văn Thắm. Sau đó, Hà Văn Thắm đã đề nghị chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín cho Danh với điều kiện Danh phải trả cho Thắm số tiền hoa hồng 1.200 tỉ đồng, sau đó số tiền này được thỏa thuận lại còn 800 tỉ đồng nhưng Danh chỉ mới thanh toán được cho Thắm 500 tỉ đồng. |