Tranh luận sôi nổi vụ chủ tiệm vàng bán rẻ tài sản cho con

(PLO)- Tòa án cần xem xét các yếu tố: Đối tượng của giao dịch, quan hệ giữa các chủ thể trong giao dịch, chứng cứ liên quan đến giao dịch và có thể áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Quới, chủ tiệm vàng ở Cà Mau, bị kiện đòi nợ. Tòa buộc vợ chồng ông trả nợ. Án chưa có hiệu lực do ông bà kháng cáo. Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, ông bà chuyển nhượng toàn bộ tài sản còn lại là phương tiện thủy nội địa (bến phà) cho con gái.

Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm vụ bị kiện đòi nợ, vợ chồng ông Quới chuyển nhượng tài sản duy nhất còn lại là bến phà cho con gái. Ảnh: TRẦN VŨ

Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm vụ bị kiện đòi nợ, vợ chồng ông Quới chuyển nhượng tài sản duy nhất còn lại là bến phà cho con gái. Ảnh: TRẦN VŨ

Ông bà có buộc phải biết có nợ phải trả nên không được bán tài sản không? Hay tài sản này không bị ngăn chặn chuyển dịch thì có quyền bán?

Pháp Luật TP.HCM ghi nhận các ý kiến của giảng viên, luật sư về câu chuyện này.

TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM:

Chủ nợ nên đề nghị tòa ngăn chặn chuyển dịch từ trước

Theo Điều 24 Nghị định 62/2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2020) thì kể từ thời điểm bản án có hiệu lực, nếu người phải thi hành án chuyển nhượng tài sản thì giao dịch đó mới là vô hiệu.

Vụ này, bản án sơ thẩm bị kháng cáo nên không có hiệu lực tại thời điểm ông chủ bán tài sản. Phải hiểu tính có hiệu lực được xác định theo thời gian tại bản án phúc thẩm nên việc ông Quới bán tài sản không thể coi là tẩu tán tài sản để trốn trả nợ.

Trước đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, các chủ nợ có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 114 BLTTDS để đảm bảo việc thi hành án của ông Quới. Trong trường hợp này, ông Quới bán đúng và không thể tuyên hợp đồng đó vô hiệu. Các chủ nợ khác chỉ có thể chờ đến khi ông Quới có tiền hoặc tài sản khác để thi hành án.

ThS-LS Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Việc chuyển nhượng cho con gái độc lập với việc bị kiện đòi nợ

Theo khoản 2 Điều 160 BLDS 2015, chủ sở hữu tài sản (phương tiện thủy nội địa) là vợ chồng ông Quới có quyền thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản của mình. Hành vi không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đồng thời, theo Điều 163 BLDS thì không ai có thể hạn chế, tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu phương tiện thủy nội địa của vợ chồng ông Quới.

Pháp luật hiện hành không có quy định cấm chuyển nhượng tài sản của mình trong thời gian đang có thiếu nợ và xảy ra tranh chấp với người khác nếu tài sản đó không bị kê biên, không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào khác. Việc tòa giải quyết tranh chấp giữa vợ chồng ông Quới với chủ nợ là quan hệ pháp luật tranh chấp khác, không liên quan trực tiếp đến tài sản mà ông bà chuyển nhượng cho con.

Do vậy, vợ chồng ông Quới chuyển nhượng tài sản này cho con gái là hợp pháp, không thuộc trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 122 và Điều 117 BLDS.

Để có thể lấy được tiền nợ sau khi tòa xét xử xong thì khi tòa đang giải quyết, những chủ nợ còn lại cần đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là kê biên tài sản hoặc cấm chuyển dịch quyền về tài sản của vợ chồng ông Quới.

ThS Mai Hoàng Phước,khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM):

Chưa có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể

Bản án/quyết định có hiệu lực của tòa là một trong những căn cứ rõ ràng để xác định nghĩa vụ của đương sự. Các giao dịch phát sinh sau thời điểm bản án/quyết định có hiệu lực có thể được xác định là giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba.

Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh nhiều trường hợp đương sự cố tình mua bán, tặng cho tài sản trong quá trình tòa tiến hành tố tụng dẫn đến sau khi có bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật thì đương sự đã không còn tài sản để thi hành án. Trường hợp như vậy có được xem là trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba hay không?

Đây là trường hợp chưa có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể. Do đó, tòa án cần xem xét đồng thời các yếu tố: Đối tượng của giao dịch (có phải là tài sản duy nhất hay không), quan hệ giữa các chủ thể trong giao dịch (người thân, bạn bè), chứng cứ liên quan đến giao dịch (giao nhận tiền, chuyển khoản…) và có thể áp dụng lẽ công bằng (khoản 3 Điều 45 BLTTDS 2015) để nhận định giao dịch phát sinh sau thời điểm có thông báo thụ lý vụ án có phải là giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba hay không.

ThS-LS Dương Hoàng Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Dấu hiệu tẩu tán tài sản

Xét về ý chí và nhận thức nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng ông Quới: Tại thời điểm thực hiện chuyển nhượng tài sản cho con gái, ông bà đã biết và buộc phải biết về việc mình đang trong một vụ án và có khả năng tồn tại nghĩa vụ trả nợ; hoặc chính tại biên bản làm việc thì ông bà cũng đã thừa nhận nghĩa vụ phải trả nợ của mình.

Thực tế, ông bà cũng không sử dụng khoản tiền chuyển nhượng để thực hiện việc trả nợ mà sử dụng vào mục đích cá nhân, dẫn đến mất khả năng thanh toán. Và cũng theo lời trình bày tại phiên tòa thì ông bà xác nhận rằng đang nợ rất nhiều người nên có cơ sở xác định ông bà biết về việc trả nợ của mình.

Xét về yếu tố ngay tình của con gái của ông bà: Theo tài liệu, giá chuyển nhượng các tài sản của ông bà rất thấp so với giá trị trên thị trường và giá trên giấy phép nên cần phải đánh giá nghiêm túc đây có phải là giao dịch thật sự hay không, hay chỉ nhằm mục đích chuyển nhượng tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Để xác định con gái của ông bà có phải là người thứ ba ngay tình trong việc nhận chuyển nhượng các tài sản hay không, cần làm rõ người này có nguồn thu nhập ổn định hoặc có công việc riêng tạo thu nhập hay không vì tài sản nhận chuyển nhượng có giá trị lớn; việc giao dịch có được thực hiện qua ngân hàng hay không vì giá trị ghi trên các giấy nhận tiền hoàn toàn có thể được tạo lập.

Ngoài ra, cần làm rõ vợ chồng ông Quới trong trường hợp này có thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định hay không.

Một vụ án tương tự, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên bố việc chuyển nhượng tài sản sau khi có bản án sơ thẩm trong khi không còn tài sản nào khác để thi hành án là trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Một vụ án tương tự do TAND tỉnh Tây Ninh xét xử theo hướng là tuyên bố việc chuyển nhượng tài sản sau khi có bản án sơ thẩm cho người khác trong khi không còn tài sản nào khác để thi hành án thì có cơ sở được xác định là trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, được xác định là vô hiệu.

Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự (đã hết hiệu lực) có quy định theo hướng là nếu sau khi có bản án sơ thẩm nhưng người phải thi hành án chuyển nhượng tài sản thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án.

Tôi cho rằng có thể cân nhắc áp dụng quy định này trong việc giải quyết vụ án.

Do đó, các giao dịch chuyển nhượng của vợ chồng ông Quới cho con gái cần được xác định vô hiệu. Giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu theo hướng hoàn trả cho nhau những gì các bên đã nhận, hoàn trả tài sản cho ông Quới để làm cơ sở thi hành đối với các bản án đã tuyên.

Hai quan điểm

Các cơ quan tố tụng ở tỉnh Cà Mau cùng chung quan điểm rằng việc bán bến phà bản chất là né nghĩa vụ trả nợ. Thời điểm bán bến phà cho con gái, dù không có một quyết định ngăn chặn chuyển dịch bến phà nào của cơ quan có thẩm quyền nhưng vợ chồng ông Quới biết rõ có một số nợ phải trả.

Tuy nhiên, quan điểm của cấp giám đốc thẩm lại cho rằng thời điểm vợ chồng ông Quới bán bến phà, tài sản này không bị ngăn chặn chuyển dịch. Thời điểm ông Quới có nghĩa vụ trả nợ, bến phà đã thuộc quyền sở hữu hợp pháp của con gái ông nên không có căn cứ cho rằng ông bà tẩu tán nhằm né nghĩa vụ trả nợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm