Tranh luận về vị trí của VKS trong tố tụng hành chính

Theo Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao Lê Văn Minh, hiện có hai quan điểm về vấn đề này: Ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành về địa vị pháp lý của VKS. Cụ thể, VKS là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính; viện trưởng VKS, kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng hành chính. Đây cũng là quan điểm của thường trực tổ biên tập.

Trong khi đó, ý kiến đối lập lại cho rằng VKS tham gia chỉ để kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, HĐXX kể từ giai đoạn thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án. VKS không tham gia vào việc giải quyết vụ án, do đó VKS không phải là cơ quan tiến hành tố tụng; viện trưởng VKS, kiểm sát viên không phải người tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết ông rất băn khoăn về địa vị pháp lý của VKS. “Cá nhân tôi muốn chọn phương án 2 vì kiểm sát vốn đã rất nhiều việc” - ông Lượng nói.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba thì đề nghị nên “khoanh vùng”: Giai đoạn sơ thẩm, VKS không thể là cơ quan tiến hành tố tụng vì VKS không có chức năng khởi tố vụ án hành chính. Đến giai đoạn phúc thẩm, vụ án nào VKS kháng nghị thì VKS tham gia với tư cách cơ quan tiến hành tố tụng để bảo vệ quan điểm của mình. Nếu phúc thẩm không có kháng nghị của VKS thì VKS tham gia cũng chỉ để xem việc chấp hành pháp luật của tòa án và các cơ quan khác tại phiên tòa đã đúng hay chưa.

Một vấn đề gây nhiều tranh luận khác là việc dự thảo quy định tòa án không được từ chối nhận đơn khởi kiện vụ án hành chính với lý do pháp luật không quy định, trừ trường hợp nội dung yêu cầu khởi kiện của đương sự thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của cơ quan nhà nước, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Phát biểu kết luận sau đó, chính Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng băn khoăn về quy định này. “Dự thảo BLDS đang quy định theo hướng tòa án phải thụ lý các vụ, việc dân sự dù chưa có luật. Tôi thấy đó là tiến bộ. Nhưng ở đây đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính và hành vi hành chính thì có phải có luật hay không có luật tòa cũng nên thụ lý? Cái đó phải cân nhắc. Dân sự thì được nhưng hành chính phải cẩn thận. Cái đó nên để ở mục nghiên cứu thôi chứ không đưa vào dự thảo” - ông Bình chốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới