Sáng 14-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi. Phong tướng cho giám đốc công an tỉnh là một trong những nội dung được các đại biểu (ĐB) QH tranh luận nhiều nhất.
“Thời bình sao nhiều tướng thế?”
ĐBQH Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, bày tỏ sự ủng hộ tất cả giám đốc công an các tỉnh đều có cấp hàm cao nhất là thiếu tướng và nhấn mạnh điều này không làm tăng số lượng cấp tướng trong CAND.
Theo ông Tới, cả nước có 11 địa phương loại 1, đồng nghĩa có 11 giám đốc công an tỉnh được phong hàm tướng. Các tỉnh, TP còn lại đều có địa bàn chiến lược, khu vực xung yếu và phức tạp về an ninh trật tự. Mặt khác, theo đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy ngành công an thì 85% quân số ngành công an về tỉnh, quân số công an tỉnh thấp nhất cũng khoảng 3.000.
“Mặt khác, theo quy định, chức danh cục trưởng và giám đốc công an cấp tỉnh là cấp ngang nhau, đều được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Điều này sẽ mâu thuẫn khi thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành công an. Vì cấp tướng mà luân chuyển về địa phương thì sai luật. Ngược lại, giám đốc công an tỉnh mà luân chuyển làm cục trưởng thì bất hợp lý ở chỗ từ đại tá lên ngay trung tướng. Cả hai trường hợp này đều không ổn” - ĐB Tới nói.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói: “Có ý kiến cho rằng trong lực lượng vũ trang Việt Nam ở thời bình sao mà nhiều tướng đến thế. Đặc biệt là sau những năm 2000 trở lại đây, số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và trong ngành công an nói riêng đã tăng lên rất nhiều”. Theo ĐB Tạo, nếu phong tướng cho giám đốc công an tỉnh sẽ tạo nên sự vênh nhau giữa công an và quân đội khi giám đốc công an là thiếu tướng, còn chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lại là đại tá.
Trong khi đại biểu Quốc hội Lê Tấn Tới (trái) bày tỏ sự ủng hộ việc phong hàm tướng đối với tất cả giám đốc công an cấp tỉnh thì đại biểu Nguyễn Tạo lại cho rằng dư luận không ủng hộ việc phong quá nhiều tướng. Ảnh: TP
“Điều này xem chừng bất hợp lý và khập khiễng trong quy trình tác chiến quân sự. Để bảo đảm cân bằng về hàm tướng lĩnh ở địa phương, chúng ta phải sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014 để nâng hàm cấp tướng cho chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Nhưng nếu sửa luật và phong quân hàm cấp tướng nhiều hơn thì dư luận, cử tri sẽ không ủng hộ” - ông Tạo nêu ý kiến.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho hay đây là nội dung trọng tâm của dự án luật, thu hút nhiều ý kiến của ĐB, tuy nhiên về quan điểm này các ý kiến cũng còn có sự khác nhau.
Về mặt nguyên tắc, quy định về vấn đề cấp bậc quân hàm cũng phải tuân thủ theo quy định của hiến pháp, đó là chỉ có QH mới có thẩm quyền quy định về cấp hàm trong lực lượng vũ trang. Đồng thời cần quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Bộ Chính trị. “Tức là việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ ngay trong luật, đúng yêu cầu, không quy định địa bàn trọng yếu hoặc lĩnh vực công tác đặc biệt để phong cấp tướng. Thông báo 185/2014 về số lượng, vị trí cấp hàm tướng trong CAND là không quá 205 người. Đến thời điểm này thông báo này vẫn còn nguyên giá trị” - ông Tỵ nói.
An ninh nông thôn rất nóng
Trước tình hình an ninh nông thôn ngày càng phức tạp, phát sinh nhiều xung đột xã hội, các ĐBQH tán thành việc xây dựng lực lượng công an xã thành lực lượng chính quy…
Cho ý kiến về dự luật, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) nhận định tình hình an ninh ở nông thôn hiện nay ngày càng tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn. Đặc biệt là các vụ khiếu kiện xung đột xã hội liên quan đến đất đai, thu hồi đất để triển khai thực hiện các dự án kinh tế-xã hội, quá trình công nghiệp hóa đã phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, làm phát sinh các loại tội phạm hình sự ở khu vực nông thôn.
“Trong khi đó lực lượng công an xã còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng, đòi hỏi phải tăng cường mọi mặt để công an xã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao” - ĐB Mão nói. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị đề án chuyển 25.000 công an chính quy về xã của Bộ Công an cần có lộ trình từng bước, tránh xáo trộn và ảnh hưởng đến lực lượng công an xã đang hoạt động hiện nay.
Cùng nội dung, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích: “Tình hình an ninh chính trị ở cơ sở đang có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là an ninh nông thôn, các loại tội phạm có xu hướng gia tăng ngày càng tinh vi. Vấn đề an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo và hành vi vi phạm pháp luật khác đang có những vấn đề phức tạp. Mặc dù lực lượng công an xã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên lực lượng công an xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ nên hiệu quả công tác còn những hạn chế”. Theo đó, ông tán thành việc chính quy hóa lực lượng công an xã, thị trấn…
Ở khía cạnh khác, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng lực lượng công an xã, thị trấn hiện yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, thời gian qua có nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, trong đó có những vụ thậm chí đánh chết người dân, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án...
“Theo tôi, nguyên nhân về mặt pháp luật của những sai phạm này là chúng ta đang giao cho công an xã quá nhiều công việc phức tạp, nhiều thẩm quyền lớn cùng những công cụ, phương tiện có thể gây nguy hiểm cao độ. Trong khi vị trí, yêu cầu đầu vào cũng như năng lực, điều kiện đảm bảo chế độ, chính sách còn đang nhiều bất cập, chưa tương xứng” - bà Trang nói và tán thành việc xây dựng công an xã thành lực lượng chính quy.