Khoa răng - hàm - mặt BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) trung bình mỗi ngày tiếp nhận và thực hiện cắt thắng lưỡi cho 30-35 bé bị dính bẩm sinh. Trong số đó, không ít ca được phụ huynh đưa đến BV thăm khám do con lớn rồi mà vẫn chậm nói hoặc nói không rõ.
Hai con đều bị dính thắng lưỡi
Được bác sĩ kết luận con bị dính thắng lưỡi, cần cắt tạo hình lại, chị Trần Thị Tiệp (ngụ huyện Bình Chánh) cho biết bé nay được 3,5 tuổi nhưng chỉ nói được có bốn tiếng. “Bé chỉ nói được tiếng một là ba, mẹ, mưa, gà, ngoài ra không thấy nói gì thêm. Mấy từ này bé cũng nói không rõ lắm, hơi ngọng. Thấy con vậy mình cũng lo lắng nên đưa đến đây khám để biết chính xác bé mắc bệnh gì” - chị Tiệp chia sẻ.
Từ Tây Ninh, chị Vũ Thị Châu Giang cùng chồng tranh thủ đưa hai con trai đến BV Nhi đồng 1 từ sáng sớm để khám vấn đề chậm nói của con. Chị Giang cho biết: “Hai bé trai hai tuổi và bốn tuổi sinh ra hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, bé lớn vẫn chưa biết nói, bé nhỏ thì chỉ kêu độc một tiếng ba rồi không nói gì thêm nữa”. Sau khi thăm khám, hai bé được bác sĩ kết luận dính thắng lưỡi và tiến hành thủ thuật cắt cho cả hai bé.
Cũng chờ cắt thắng lưỡi cho con gái hơn hai tuổi, chị Vũ Thị Hương (ngụ Tiền Giang) cho hay bé nói được khá nhiều từ, thậm chí nói được cả câu 4-6 chữ. “Tuy nhiên, một số từ bắt đầu bằng r, n, l, đ, th, c thì bé nói bị ngọng, giống như âm không thoát ra được, người nhà nghe thì hiểu bé nói gì chứ người ngoài là chịu” - chị Hương chia sẻ.
Phụ huynh đưa bé đi thăm khám do dính thắng lưỡi tại Khoa răng - hàm - mặt BV Nhi đồng 1. Ảnh: HL
Phát hiện càng sớm càng tốt
TS-BS CK2 Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa răng hàm mặt BV Nhi đồng 1, cho biết thắng lưỡi là một bộ phận của lưỡi, nằm dưới bụng lưỡi, có dạng hình tam giác. Thắng lưỡi có vai trò quan trọng trong việc vận động lưỡi và định hướng di chuyển của lưỡi. Thắng lưỡi góp phần thực hiện hoàn chỉnh khả năng bú, nuốt, phát âm của bé.
Bé dính thắng lưỡi được phát hiện trong nhiều trường hợp như khi bé ra đời được bác sĩ khám tổng thể phát hiện nên gợi ý người nhà đưa đi khám; bé bú khó; ngẫu nhiên phát hiện khi đi khám bệnh... Tuy nhiên, không ít trường hợp bé bị dính thắng lưỡi chỉ được phát hiện khi phụ huynh thấy bé nói ngọng một số từ, thậm chí có bé vượt qua tuổi biết nói nhưng không nói tiếng nào. Ở Khoa răng - hàm - mặt, BS Đẩu cho biết từng tiếp nhận các bé 10, 12 tuổi mới được đưa đi khám về thắng lưỡi.
Dính thắng lưỡi nên được can thiệp càng sớm càng tốt. Thời gian thực hiện cắt thắng lưỡi cho bé lý tưởng nhất là từ ba tháng đến trước khi bé mọc răng cửa. Ở độ tuổi này, bé đáp ứng sức khỏe để thực hiện thủ thuật và tránh tình trạng sau khi gây tê, bé mất cảm giác ở đầu lưỡi có thể cắn dập lưỡi.
Thắng lưỡi ngắn là một bệnh lý bẩm sinh dẫn đến hạn chế khả năng bú, nuốt cho bé còn nhỏ và ảnh hưởng khả năng phát âm khi bé lớn lên. |
“Bé khó bú do dính thắng lưỡi nếu không giải quyết kịp thời có thể bị suy dinh dưỡng. Nếu can thiệp ở độ tuổi bé đã quen với việc nói ngọng thì dù cắt xong thắng lưỡi, rất khó để xóa đi thói quen đã hình thành khá dài từ trước. Đối với những trường hợp này, các bé cần phải tập trị liệu ngữ âm, chỉnh sửa lại cách phát âm sai” - BS Đẩu lý giải.
Do ngắn thắng lưỡi là dị tật bẩm sinh nên BS Đẩu khuyến cáo các phụ huynh nên cập nhật thông tin về dấu hiệu con bị ngắn thắng lưỡi, ngoài nhìn các chức năng, có thể dựa vào hình ảnh lưỡi của bé. “Bình thường khi chúng ta le lưỡi sẽ thấy đầu lưỡi nhọn. Các bé bị thắng lưỡi ngắn sẽ không vươn dài ra được như bình thường. Thắng lưỡi giữ lại làm cho đầu lưỡi vuông hoặc khi bé cố gắng đẩy lưỡi ra sẽ thấy có hình dạng như quân bài ách cơ (hoặc trái tim)” - BS Đẩu chỉ ra.
Theo BS Đẩu, phẫu thuật cắt thắng lưỡi được thực hiện khá đơn giản. Theo đó, các bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại chỗ, cắt tạo hình thắng lưỡi bằng dao điện. Điều này đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm để cắt cho đúng, bảo toàn chức năng của thắng lưỡi, giúp cho bé đạt được độ dài thắng lưỡi theo yêu cầu.
Phẫu thuật đa số chỉ thực hiện một lần và mất khoảng 15 phút. Bé có thắng lưỡi dày và giữ rịt đầu lưỡi, có sự phản ứng quá mức có thể sẽ chuyển gây mê để thực hiện thủ thuật dễ dàng hơn. Sau phẫu thuật, các bé sẽ được theo dõi trong 15 phút, có thể uống sữa lạnh hoặc nước lạnh ngay, nếu bé ổn định có thể ra về ngay.
Một số dấu hiệu để nghĩ đến bé bị dính thắng lưỡi: - Nhìn trực tiếp thấy thắng lưỡi ngắn rõ. - Đầu lưỡi bị lõm hình trái tim, hình ách cơ hoặc hình chữ omega. - Thắng lưỡi bám trực tiếp gần đầu lưỡi. - Bé nói ngọng một số từ. - Khó bú, khó nuốt. - Khi phát âm, nếu thắng lưỡi bị ngắn hoặc bám sai vị trí bé sẽ khó nói các từ phải đưa lưỡi xa về phía trước, phải cong lưỡi lên trên hoặc áp lưỡi vào mặt trong răng trên.
Một thắng lưỡi bình thường là có độ dài phù hợp và điểm bám đúng. Bé càng lớn thì thắng lưỡi càng dài và dày hơn. |