Tại buổi chia sẻ, khoảng 100 em nhỏ đã được chuyên gia nghiên cứu sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung chuyển tải những kiến thức thú vị về phân biệt các lòai rắn độc và cây cỏ độc thông qua tài liệu và vật mẫu thật.
Không chỉ xem, lắng nghe thầy giảng, bé Ngô Thanh Giang, học lớp 2 trường Trịnh Hoài Đức còn cẩn thận ghi chép lại những nội dung mà bé thấy quan trọng. Bé Thanh Giang cho hay, “qua buổi học này con đã có biết được những loài rắn nào là độc như rắn hổ mang, rắn lục, rắn cạp nia… Nhưng con chưa nhìn thấy những con rắn này ở ngoài bao giờ”.
Bé Ngô Thanh Giang, học lớp 2, trường Trịnh Hoài Đức ghi chép lại cẩn thận những nội dung mà bé thấy thích. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN.
Chị Phan Hoàng Trúc, sống ở quận 6 chia sẻ, buổi học có nhiều kiến thức bổ ích giúp chị bước đầu nhận biết được đâu là loài rắn có nọc độc thần kinh hay tế bào để biết cách sơ cứu. Ngoài ra, việc có những hiện vật sống minh họa sẽ giúp mọi người nhớ bài lâu hơn.
Ông Phùng Mỹ Trung, nhà nghiên cứu sinh vật rừng Việt Nam, chia sẻ tại TP.HCM, các loại rắn ông đã từng gặp bao gồm nọc độc thần kinh và nọc độc tế bào. Cho nên, các bé muốn phân biệt được cần phải tham gia vào các lớp học và các nhà nghiên cứu sẽ hướng dẫn chi tiết về các loại đó.
“Thực tế, kiến thức về các loại rắn độc và cây độc của các bé cũng như phụ huynh khá hạn chế. Vì thế mới xảy ra sự việc các bé bị ngộ độc từ cây ngô đồng ở Nghệ An. Thấy được việc cần thiết phải chia sẻ các kiến thức về các loài cây độc, rắn độc cho mọi người nên chúng tôi đã tổ chức buổi học này. Buổi học sẽ giúp bé tránh khỏi hiểm họa rình rập bên cạnh các bé”, ông Trung cho biết.
Tài liệu của buổi học đều được các bậc cha mẹ và các bé xem rất kỹ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN.
Theo ông Trung, ngay tại thành phố cũng có nhiều cây độc như trong công viên, trong Thảo Cầm Viên ở TP.HCM (cây bã đậu, cây ngô đồng...) hoặc một số cây xanh trên đường được nhập nội về làm cây cảnh như cây thông thiên, đặc biệt cây trúc đào. Tại nhà dân có một số cây cực độc được trồng làm cảnh phổ biển do họ không biết như cây ngô đồng bởi hoa của nó rất đẹp và phía dưới có bình củ được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng ít ai biết rằng hạt của cây rất nguy hiểm với các bé. “Cây trúc đào cũng là một cây cực độc, trước ở khu công nghiệp 2 Biên Hòa, nguyên 2 dãy đường phố trồng rất nhiều loại cây này. Sau đó, tôi đã tư vấn cho bên giải pháp khu công nghiệp và họ đã chặt bỏ hoàn toàn”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, đối với các loài rắn độc, cây độc, cách tốt nhất để phòng tránh là phải có kiến thức về các loài đó để phân biệt và tránh xa nó. Đặc biệt, người dân còn nhiều ngộ nhận về nọc độc, cây độc và côn trùng độc. Chính vì vậy, cách tốt nhất cần phải tới các lớp học để hiểu và phân biệt được nó. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa vào chương trình những kiến thức kỹ năng và tài liệu bằng tranh ảnh sinh động về cách nhận biết cũng như phân biệt một số loài có độc tính để truyền thông tới tất cả mọi người.
Bé Đào Thị Huyền Như rất chăm chú khi nghe bác Phùng Mỹ Trung chỉ cách nhận dạng và phân biệt các loài rắn có nọc độc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN.
“Hiện tại, theo tôi được biết vẫn chưa có một cuốn sách nào về bộ môn này, bản thân tôi chưa từng gặp cũng như đọc một cuốn sách như thế. Có lẽ đây là cuốn đầu tiên tôi dành thời gian soạn cùng các chuyên gia về độc học tại Việt Nam. Điều đó rất là đáng tiếc đối với các bé không chỉ ở thành phố và các bé ở các tỉnh vùng sâu vùng xa”, ông Trung tâm sự.
Chuyên gia Phùng Mỹ Trung đang hướng dẫn các bé cách nhận biết các loài rắn độc.
Ông Trung cũng nhận xét, việc các bé bị ngộ độc từ cây hay rắn hoàn toàn đều do người lớn. Vì người lớn không chia sẻ kiến thức hay không giáo dục con cái có những ký năng sống và kỹ năng hiểu biết về các loài nọc độc ấy để chúng tránh xa. Người lớn phải cố gắng làm tốt hơn nữa để giúp các bé thoát khỏi những hiểm họa như vậy.