Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sáng 4-7, bà Nguyễn Thị Hai (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) cho biết thông tin rắn lục đuôi đỏ xuất hiện tại địa phương khiến bà lo lắng. “Tôi thuộc quận vùng ven, quanh nhà có nhiều bụi rậm, kênh rạch nên nguy cơ rắn lục đuôi đỏ xuất hiện rất cao. Nhà lại có nhiều cháu nội, cháu ngoại, chẳng may bị rắn lục đuôi đỏ cắn thì không biết xử lý thế nào. Tôi nghe nói nếu bị rắn cắn thì nên đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Nhà tôi ở gần Trạm Y tế phường Thạnh Lộc và BV quận 12, vậy những nơi này có điều trị rắn lục đuôi đỏ cắn không? Tôi chỉ sợ đi lòng vòng không đúng chỗ điều trị rắn độc cắn thì nguy hiểm đến tính mạng” – bà Hai lo lắng.
Pháp Luật TP.HCM chuyển thắc mắc của bà Hai đến BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM. BS Dũng cho biết hiện nay các trạm y tế phường, xã và nhiều BV ở TP.HCM chưa đủ năng lực để điều trị rắn độc cắn.
Theo BS Dũng, nếu người lớn bị rắn độc nói chung và rắn lục đuôi đỏ nói riêng cắn thì nhanh chóng đưa tới BV Chợ Rẫy (điện thoại 08.38664137 và bấm số nội bộ 144) hoặc liên hệ BV Trưng Vương (điện thoại 08.38656744), BV Nhân dân 115 (điện thoại 08.38652368), BV quận Thủ Đức (điện thoại 08.38963194). Riêng trẻ em bị rắn độc cắn thì đưa đến BV Nhi đồng 1 (điện thoại 08.38346803) hoặcBV Nhi đồng 2 (điện thoại 08.38295723).
Liên quan đến cách phòng ngừa rắn độc cắn, BS Dũng khuyên các hộ dân nên phát quang bờ cây, bụi rậm quanh nhà; không bắc giàn hoa, dây leo… Bên cạnh đó, trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà. Khi làm việc ở đồng ruộng hoặc những nơi nghi có rắn độc phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.