Bộ sách gồm hai tập: Tập I về phong trào của giới nhân sĩ, trí thức đấu tranh chống Mỹ cứu nước; tập II Kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận-Mặt trận khu Sài Gòn-Gia Định.
Ông Nguyễn Trọng Xuất, chủ biên bộ sách, (nguyên Phó Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM, từng là Tổng thư ký Ban biên soạn công trình Lịch sử Nam Bộ kháng chiến) đã trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM về những đóng góp của giới trí thức với vận mệnh đất nước hôm qua và hôm nay.
Nét đặc biệt của giới trí thức Sài Gòn-Gia Định
. Phóng viên: Thưa ông, chiến tranh đã qua 39 năm, sao bây giờ chúng ta mới thực hiện bộ sách về nhân sĩ trí thức Sài Gòn-Gia Định thời kỳ 1954-1975?
+ Ông Nguyễn Trọng Xuất: Chúng ta có độ lùi 39 năm, có thêm những yếu tố mới để có cái nhìn xác thực hơn những vấn đề lịch sử. Có ba điều mới của bộ sách này: Thứ nhất, nguồn tư liệu phong phú hơn bởi Ban biên soạn có thể phát hiện tư liệu mới trong các kho lưu trữ từ nhiều nguồn, cả tư liệu của phía bên kia. Thứ hai, trước đây có những sự kiện chúng ta chưa biết, bây giờ các sự kiện được xác minh, đối chiếu, từ đó chúng ta nắm được đúng bản chất của các mối quan hệ lịch sử. Và quan trọng nhất là yếu tố thứ ba, tức quan điểm và nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vai trò và ảnh hưởng của trí thức trong mối quan hệ với dân tộc, với đất nước, đúng với truyền thống của dân tộc ta là quý trọng hiền tài.
. Trong sách có khẳng định nhân sĩ trí thức Sài Gòn-Gia Định có những nét khác biệt so với các vùng khác. Sự khác biệt đó là thế nào, thưa ông?
+ Trí thức Sài Gòn-Gia Định đều mang phẩm chất chung của trí thức cả nước là yêu nước, nặng lòng với vận nước. Nét riêng của nhân sĩ, trí thức Sài Gòn-Gia Định là thừa hưởng được truyền thống kẻ sĩ Gia Định lưu truyền từ thời khai hoang mở cõi và nhất là đã trải hơn một thế kỷ chống ngoại xâm. Khí phách đó truyền lại nhiều đời. Nhiều người có định kiến không đúng về trí thức, cho rằng họ được đế quốc đào tạo, huấn luyện để làm công cụ cho nó… Tất nhiên cũng có một số người bị tha hóa nhưng thực tiễn cho thấy những trí thức lớn của Sài Gòn-Gia Định sống đạm bạc, trọng danh dự và đa số nghiêng về phía cách mạng. Giữ khí khái kẻ sĩ, trọng nghĩa khinh tài, thấy việc nghĩa là làm.
Bìa bộ sách Nhân sĩ trí thức Sài Gòn-Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1954-1975 và ông Nguyễn Trọng Xuất. Ảnh: QUỲNH TRANG
Thu hút vì tính tiên phong
. Ông có thể lý giải tại sao nhân sĩ, trí thức thời đó theo cách mạng? Vì lòng tự tôn dân tộc hay con đường cách mạng thu hút được họ?
+ Có cả hai yếu tố đó. Khi phong trào cách mạng càng mạnh thì ảnh hưởng đối với trí thức càng sâu đậm và thúc đẩy nhanh quá trình gắn bó với dân tộc. Với lòng tự trọng, ý thức về danh dự làm người của người có kiến thức thì việc đứng lên, khẳng khái chống lại bất công, tàn bạo là lẽ tất yếu của người trí thức. Vì thế có những phong trào trong giới trí thức, nhân sĩ từ đầu không phải do Đảng lãnh đạo. Đương nhiên cách mạng ủng hộ phương hướng đấu tranh đúng đắn đó và huy động các tầng lớp khác tham gia khiến phong trào ngày càng mạnh.
. Tác động của Ban Trí vận-Mặt trận đối với phong trào nhân sĩ, trí thức như thế nào?
+ Cuộc kháng chiến cứu nước chính nghĩa của chúng ta là toàn dân, toàn diện cho nên nhiều thành phần xã hội đến với cách mạng rất nhanh. Ngay từ đầu, khi cách mạng còn ở buổi phôi thai, đứng lên chống lại kẻ địch xâm lược rất mạnh thì cái lẽ sống, chết chỉ như trong đường tơ kẽ tóc. Những gương yêu nước, dám hy sinh vì nghĩa lớn của nhà trí thức Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan văn Trường… hồi đầu thế kỷ 20 đã giúp cho thanh niên nuôi hoài bão lớn, phải làm gì cho dân tộc. Sau đó là gương của những người Cộng sản như Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong… Người trí thức khi đồng hành cùng dân tộc thì cũng tìm được trong cách mạng lý tưởng phù hợp với khát vọng tự do, dân chủ, công bằng mà mình hằng ấp ủ. Ban Trí vận-Mặt trận là bộ phận tham mưu giúp Đảng vận động giới nhân sĩ, trí thức. Trong kháng chiến có những gương mặt lớn trong Ban như kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, GS Phạm Huy Thông, BS-VS Dương Quang Trung,… và nhiều vị khác, làm tấm gương quy tụ nhiều nhân sĩ, trí thức tên tuổi như nhà bác học Lưu Văn Lang, các luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, các nhà giáo Lê Văn Chí, Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Huấn…
Cách mạng thu hút được trí thức vì chính bản thân cách mạng thể hiện được tính tiên phong. Tính tiên phong về mặt phẩm chất là khí phách; về mặt kiến thức là trí tuệ, bản lĩnh. Tính chất cộng sản của người cách mạng chính ở tính tiên phong đó. Người trí thức tin tưởng và đi theo Đảng Cộng sản chính là cảm phục cái khí phách, cái bản lĩnh, trí tuệ tiêu biểu cho tính tiên phong, giương cao ngọn cờ dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khi ta buông lơi tính tiên phong thì ta sẽ không thuyết phục được dân tộc, trong đó có trí thức.
. Từ sau năm 1975, việc đồng hành cùng dân tộc của người trí thức có còn được như trong kháng chiến?
+ Việc đồng hành cùng dân tộc luôn đòi hỏi ở mỗi chúng ta hai nhân tố chủ yếu: Sự tu dưỡng của bản thân và sự hòa hợp của môi trường. Môi trường hoạt động rất quan trọng nhưng đó là yếu tố bên ngoài. Yếu tố chủ quan chính là sự tu duỡng của mỗi người. Trong tu dưỡng có nhiều điều phải làm, nhất là trong tình hình có nhiều thử thách phức tạp, xấu tốt đan xen nhau khiến nhiều người bối rối... Nhưng chung lại có ba điều chủ yếu sau: Tình yêu, lòng tin và bản lĩnh.
- Tình yêu đậm đà đối với đất nước, dân tộc, đối với con người.
- Lòng tin sâu sắc vào tiền đồ dân tộc.
- Bản lĩnh, trí tuệ, một phần do truyền thống của cha ông truyền lại và phần quan trọng là do nỗ lực vượt khó của bản thân người trí thức để giành lấy đỉnh cao kiến thức loài người.
Nếu người trí thức có ba điều đó thì họ sẽ thủy chung với sự chọn lựa đúng đắn của mình. Còn như nói, phải cho tôi môi trường thuận lợi thế này thì tôi mới có thể thế này, thế khác. Như vậy thì rất khó. Đương nhiên Đảng lãnh đạo phải biết quý trọng hiền tài, tạo môi trường thuận lợi cho người trí thức nhưng có lẽ không nên đặt môi trường khách quan là yếu tố tiên quyết cho hoạt động của mình. Có tình yêu, lòng tin và bản lĩnh thì sẽ tạo nên thời thế.
Không chịu thua hoàn cảnh
. Lịch sử có lúc thăng lúc trầm như ông nói và thời trước có những người tạo ra hoài bão cho thanh niên nhưng thời này, hình như chưa có tấm gương tạo hoài bão như vậy, phải chăng chúng ta đang ở những nốt trầm của lịch sử?
+ Bây giờ chưa lộ ra thôi, nhân tài rất nhiều và vẫn còn tiềm ẩn đâu đó. Bề ngoài hình như tình thế đang tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội múa may. Những kẻ cơ hội đó không phải là nhân tài, đó là những con rối. Tôi tin dân tộc này không bao giờ chịu thua hoàn cảnh.
Tôi rất lo ở giai đoạn từ 1975 đến nay, người trí thức còn đòi hỏi điều kiện khách quan nhiều. Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, về Việt Nam không được trọng dụng thì đi các nước khác. Phải chăng xu hướng toàn cầu hóa làm người ta hơi lợt lạt về tình dân tộc. Nếu người trí thức dù hoàn cảnh nào, sự trọng dụng dù ở mức nào mà cũng vẫn tìm cách về với dân tộc thì đó cũng là nét độc đáo của trí thức Nam Bộ.
. Vậy lời khuyên của ông là thời điểm hiện tại giới trí thức nên làm gì?
+ Phải kiên trì và quan trọng nhất là không ngừng nỗ lực tu dưỡng. Nếu chúng ta có đủ nồng độ về tình yêu, lòng tin và bản lĩnh trí tuệ như tôi đã đề cập thì tự nhiên chúng ta sẽ nhìn sự đời với màu sắc khác chứ không chỉ màu xám.
. Xin cảm ơn ông.
QUỲNH TRANG
Ghi nhận đóng góp cho cách mạng của một số sĩ quan quân đội Sài Gòn Hai tập Nhân sĩ trí thức Sài Gòn-Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1954-1975 nhằm thể hiện phong trào của giới nhân sĩ, trí thức vùng đất này. Bên cạnh đó, bộ sách cũng ghi nhận những nhân vật bí ẩn là sĩ quan không quân, hải quân, quân đội, quân cảnh Sài Gòn… đã tham gia trong đường dây đỏ bảo vệ cho cán bộ, gia đình cơ sở… của Ban Trí vận. “Không chỉ Ban Trí vận mà các ban khác đều có những người như thế. Và không chỉ cá nhân họ mà nhiều gia đình thân nhân của họ đã trở thành cơ sở cách mạng trong suốt thời gian kháng chiến. Chúng tôi mong có dịp những người này sẽ có thể được gặp gỡ công khai để có thể hiểu rằng có những người tưởng chừng ở xa chúng ta nhưng họ đã có thời gian gắn bó ở bên chúng ta rất gần” - ông Kiều Xuân Long, thành viên Ban biên soạn, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, chia sẻ. Dự kiến khoảng năm 2015-2016 Ban biên soạn sẽ đề nghị với Ủy ban MTTQ TP và Thành ủy cho tiếp tục thực hiện các tập sách về Nhân sĩ trí thức Sài Gòn-Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1859-1945 và giai đoạn 1945-1954. |