Thông điệp “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần” tiếp tục được lãnh đạo Chính phủ, Bộ TN&MT nhấn mạnh tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ năm diễn ra tại Hà Nội ngày 4-8. Hội nghị do Bộ TN&MT tổ chức với sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.
Thách thức đối với môi trường Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát, song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực vẫn ở mức đáng báo động. Đặc biệt nổi lên là ô nhiễm tại một số lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại một số TP lớn.
Cam kết của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một thách thức lớn. Uớc tính Việt Nam cần 330-370 tỉ USD để thực hiện được mục tiêu trên. Điều này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tài chính tư trong nước cũng như quốc tế, trong đó nguồn vốn FDI và nguồn vốn tư nhân đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ đạt mục tiêu này. Việt Nam cần có chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo để tạo điều kiện cho các dòng tài chính xanh từ tất cả nguồn đầu tư và phát triển.
Bà CAITLIN WIESEN,
Trưởng đại diện thường trú
Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP tại Việt Nam
Báo cáo của Bộ TN&MT cũng cho hay hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) mặc dù đã được đầu tư, song vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tỉ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Mới có 22% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong cụm công nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý. Số lượng các trạm quan trắc không khí tự động liên tục chưa tương xứng, chưa đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu quản lý trên thực tế, dẫn đến thiếu thông tin cho việc dự báo, cảnh báo.
|
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TP |
Bên cạnh đó, tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%, hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu chưa được xử lý triệt để hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện trong giai đoạn vừa qua và hiện nay mới bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện theo tinh thần của Luật BVMT 2020.
Biến cam kết thành hành động
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng để khắc phục những tồn tại, đảm bảo chất lượng môi trường trong tương lai phải có giải pháp đồng bộ, cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Trước hết là nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về công tác BVMT từ đó dẫn tới chuyển biến trong hành động. “Phải khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm BVMT” - ông Hà nói.
Cùng với đó là chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định Đảng, Nhà nước rất chú trọng công tác BVMT, vì đời sống, sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. “Quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu hiện nay đang đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, toàn thể xã hội chứ không riêng gì ngành môi trường.
Phó Thủ tướng cũng thông tin hiện Chính phủ đang hoàn thiện quy hoạch điện VIII với mục tiêu giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi. Đồng thời, Việt Nam cũng tăng tỉ lệ bao phủ rừng, triển khai chương trình trồng 1 tỉ cây xanh, phát triển diện tích cây xanh trong đô thị…•
Đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để thực hiện cam kết trên một cách thực chất, Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, do Thủ tướng làm trưởng ban, Phó Thủ tướng làm phó ban, thành viên ban chỉ đạo là bộ trưởng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan.
Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo đó, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực như phát triển năng lượng tái tạo, phát triển ngành công nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, di dời các nhà máy ra khỏi trung tâm TP, khu đô thị, thu hút các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm phát thải…