Sáng nay 1-11 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) đã khai mạc triển lãm “Thắm tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga”. Buổi triển lãm nằm trong chương trình chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7-11-1917 - 7-11-2017).
Tham dự lễ khai mạc có ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Aleksey Vladimirovich Popov, Tổng Lãnh sự Nga tại TP.HCM và đoàn đại biểu.
Đoàn đại biểu cắt băng khánh thành.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Thanh Liêm nhắc lại cách đây 100 năm tại nước Nga đã diễn ra một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của thế kỷ 20, làm rung chuyển thế giới, đó là Cách mạng Tháng Mười Nga.
“Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam đã tìm ra con đường cách mạng đúng đắn, giải phóng cho dân tộc. Cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn ngàn khó khăn thử thách để giành những thắng lợi vĩ đại…” - ông Liêm nói.
Triển lãm “Thắm tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Đồng Khởi sẽ diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 1 đến 10-11-2017).
Triển lãm trưng bày 100 ảnh gồm 3 phần. Phần I là tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi sáng ngời. Phần II là tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga bền chặt qua thời gian. Phần III là nước Nga mến yêu.
Đây là một trong những hoạt động nhằm góp phần vào việc quảng bá, tăng cường sự hiểu biết sâu sắc của nhân dân TP.HCM về ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười Nga, những thành tựu ngoại giao, mối quan hệ hợp tác gắn bó tương trợ lẫn nhau giữa hai quốc gia trên tinh thần đối tác chiến lược vì lợi ích của nhân dân hai nước. Từ đó, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đại tá Huỳnh Công Tấn (84 tuổi) từng công tác tại Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) bồi hồi nhớ lại. Sáng nay 1-11, ông cùng đồng đội trở về tham dự lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga tại TP.HCM.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ, người lính tình báo năm nào giờ đây tóc đã bạc. Nhưng nhớ lại những năm tháng ấy, ông và đồng đội không thể nào quên. Ông bắt đầu tham gia chiến đấu từ năm 1949, năm vừa tròn 15 tuổi. Chỉ một năm sau, ông vinh dự chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Nhiệm vụ của chúng tôi ngày ấy là sản xuất vũ khí để cung cấp cho công an, dân quân. Người đi trước có kinh nghiệm chỉ cho người đi sau”, Đại tá Huỳnh Công Tấn chia sẻ. Lính tình báo không hề biết mặt nhau, phải tự xây dựng cơ sở, dựa vào cơ sở hoạt động. Thông tin liên lạc ngày ấy khó khăn vô cùng. “Mật thư chỉ liên lạc gần trong thành phố. Sau này có máy truyền thanh nhưng cũng không đảm bảo vì chậm, bị lính Mỹ rà phá sóng không nhận được tín hiệu. Chính Liên Xô đã giúp mình thiết kế cải tiến máy phát tin với tốc độ truyền tin nhanh, xa hơn, không cho Mỹ kịp rà phá sóng”, ông nhớ lại. |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang trò chuyện cùng Tổng Lãnh sự Nga tại TP.HCM
Triển lãm thu hút nhiều học sinh tham quan.
Cùng hát theo những ca khúc đã đi cùng năm tháng
Văn nghệ chào mừng lễ khai mạc