“Ông Kim Jong-un là người hâm mộ tiến trình cải cách ở quy mô nhỏ và thích cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế dần dần nếu vẫn đảm bảo sự ổn định chính trị”, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá.
Và Fitch cho rằng, Triền Tiên hoàn toàn có thể tham khảo mô hình phát triển kinh tế Việt Nam trong một sự tương đồng khá đáng kể để học hỏi kinh nghiệm. Việt Nam hiện đang tăng cường xây dựng mối quan hệ với các nước trên thế giới.
“Cũng tương đồng về ổn định chính trị, Trung Quốc và Singapore là hình mẫu tiềm năng cho Bình Nhưỡng, nhưng đều có những bất lợi trong mắt nhà lãnh đạo Triều Tiên. Bình Nhưỡng luôn muốn có sự độc lập thay vì rập khuôn và phụ thuộc Trung Quốc, còn con đường theo Singapore không phù hợp vì quy mô nhỏ”, Fitch phân tích.
Hãng tin Bloomberg đánh giá, Việt Nam không chỉ là địa điểm trung lập tuyệt vời cho Hội nghị thượng đình Mỹ - Triều, mà quốc gia Đông Nam Á này có thể là hình mẫu cho ông Kim Jong-un áp dụng các cải cách thị trường sâu rộng.
Bloomberg đánh giá, những kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ là kim chỉ nam cho ông Kim định hình việc vừa tăng trưởng kinh tế vữa giữ vững ổn định chính trị. Việt Nam cải cách và mở cửa kinh tế đã giúp tăng thu nhập bình quân đầu người từ 95 USD vào thập niên 1990 lên 2.342 USD vào năm 2017.
Việt Nam ngày càng gia tăng vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu khi xuất khẩu đã tăng hơn 100% GDP, cũng như tham gia vào nhiều hiệp định thương mai tự do.
“Trên các nền tảng hiện nay, kết hợp với môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện với chi phí thấp, Việt Nam đang là điểm đến hợp lý đón dòng vốn đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh thế giới phức tạp, Việt Nam vẫn giữ ổn định chính trị và tạo thế cân bằng trong mối quan hệ ngoại giao với các nước. Triều Tiên hoàn toàn có thể áp dụng theo, với rất nhiều lợi thế cũng như đảm bảo việc cải cách kinh tế đất nước hoạt động tốt và trong tầm kiểm soát của ông Kim”, Bloomberg nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Thu Hương, nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia, trả lời hãng tin The Straits Times, rằng: "Bằng cách đăng cai hội nghị và cho thấy tiềm năng của một mô hình kinh tế mở cửa và cải cách điển hình, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Triều Tiên giải quyết các vấn đề dài hạn cả về kinh tế - xã hội, vượt ra ngoài khuôn khổ những vấn đề phi hạt nhân hóa".
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Triều Tiên khá tương đồng Việt Nam trong thời bao cấp, nhưng Việt Nam đã cải cách mạnh mẽ chuyển sang nền kinh tế thị trường. Chẳng hạn, trước khi cải cách, Việt Nam phải nhập khẩu gạo, nhưng sau đó là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Việt Nam áp dụng chính sách đa phương để tránh phụ thuộc vào một nền kinh tế nào và đã xây dựng được hệ thống tài chính và ngân hàng hiện đại.
“Triều Tiên nếu thực sự muốn cải cách kinh tế quyết liệt thì có thể học nhiều điều tích cực từ Việt Nam”, ông Doanh nói.
Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cho biết, Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Trên bình diện quốc tế, bằng các bước đi vững chắc, có thể nhìn thấy nhiều điểm nhấn, như Việt Nam bình thường hóa quan hệ thế giới, bắt tay với Mỹ xóa bỏ được lệnh cấm vận, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) và là thành viên WTO vào năm 2007.
Từ hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư đã đem lại sức sống mới cho nền kinh tế.
“Triều Tiên có thể học cách làm này của Việt Nam và nên bằng cách tập trung đầu tiên vào cải cách cơ sở hạ tầng, thể chế, và có lẽ đưa ra một tầm nhìn táo bạo sẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh”, ông Khương nói.
Bản thân ông Kim Jong-un - Chủ tịch Triều Tiên - tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 năm ngoái, cũng nói tới khả năng Bình Nhưỡng muốn tìm hiểu mô hình đổi mới của Việt Nam. Trước đó, nước này đã nhiều lần cử phái đoàn sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. |