Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đang chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội.
Với Mỹ, mục tiêu và là thành công sẽ là thuyết phục được Triều Tiên thống nhất được một tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân, theo hãng tin CNN (Mỹ). Tuy nhiên điều gì là mục tiêu và thành công với Triều Tiên trong kỳ thượng đỉnh này vẫn chưa thể xác định.
Đài CNN đưa một số nhận định chuyên gia về một số mục tiêu mà nếu đạt được tại kỳ thượng đỉnh này thì có thể xem là thành công với Triều Tiên.
Thứ nhất, thuyết phục được Mỹ cùng thống nhất một tuyên bố chính trị chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, theo chuyên gia Jean H. Lee tại Trung tâm Lịch sử và Chính sách công Hàn Quốc.
Các giải thưởng lớn với ông Kim Jong-un không phải chỉ là ngoại giao mà còn là kinh tế. Ông Kim mong đến thời điểm có thể đứng bên tổng thống Mỹ ra một tuyên bố chính trị chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Dù tuyên bố chính trị này chưa phải hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh nhưng đây vẫn là một chiến thắng với ông Kim.
Đoàn tàu chở lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến vào ga Đồng Đăng sáng nay. Ảnh: KBS24
Tuyên bố chính trị này sẽ cho phép ông Kim hướng trọng tâm đất nước từ phòng bị chiến tranh sang tập trung phát triển kinh tế. Với tuyên bố này Triều Tiên sẽ bắt đầu một tiến trình dài thương lượng nhằm thống nhất được một hiệp ước hòa bình với các bên: Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc (LHQ), và Mỹ.
Quan trọng hơn, tuyên bố này sẽ giúp ông Kim dễ dàng hơn trong việc yêu cầu LHQ và Mỹ giảm nhẹ trừng phạt kinh tế để đổi lại việc nối lại quan hệ hữu nghị và từ bỏ chương trình hạt nhân. Một ưu tiên lâu nay của ông Kim là vận động để LHQ dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bước xuống tàu lửa ở ga Đồng Đăng sáng nay. Ảnh: KBS24
Một khi trừng phạt được dỡ bỏ, Hàn Quốc chắc chắn sẽ tái khởi động các dự án kinh tế chung được xem là xương sống kinh tế với Triều Tiên, cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở Triều Tiên. Về phía mình, Hàn Quốc vẫn đang chờ xem các bước đi nhượng bộ hạt nhân của Triều Tiên để cân nhắc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt song phương mà nước này đã áp lên Triều Tiên từ năm 2010.
Thứ hai, thuyết phục được Mỹ chấp nhận để mình phong tỏa hạt nhân đổi lấy giảm nhẹ trừng phạt, theo nhà phân tích Tong Zhao tại Chương trình chính sách hạt nhân thuộc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được tặng hoa khi vừa bước xuống tàu lửa ở ga Đồng Đăng sáng nay. Ảnh: ZING.VN
Theo ông Tong Zhao, cộng đồng quốc tế cần hiểu rõ các mục tiêu chiến lược của ông Kim là những gì sẽ diễn ra trong và sau thượng đỉnh ở Hà Nội. Trừ khi niềm tin thật sự được xây dựng giữa Mỹ và Hàn Quốc – điều có thể tốn hàng thập niên nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, Mỹ sẽ chưa thể một ngày một bữa thuyết phục Triều Tiên tin tưởng sự đảm bảo an ninh của mình là đáng tin và không thể đảo ngược.
Từ đó có thể thấy một mục tiêu hàng đầu của ông Kim Jong-un là duy trì một sức mạnh ngăn chặn hạt nhân độc lập chiến lược nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Và cộng đồng quốc tế không nên quá kỳ vọng vào bất kỳ nhượng bộ nào từ Triều Tiên về sức mạnh ngăn chặn hạt nhân của mình trong tương lai gần.
Xe chở lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được hộ tống về Hà Nội sáng nay. Ảnh: TTXVN
Nếu ông Trump chấp nhận một thỏa thuận theo đó Triều Tiên sẽ phong tỏa các chương trình hạt nhân và tên lửa, để đổi lấy một số nhượng bộ trừng phạt, thì xem như ông Kim đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất của mình.
Thứ ba, mục tiêu nhỏ nhất, chỉ xuất hiện bên cạnh ông Trump ở Hà Nội đã là chiến thắng với ông Kim, theo nhà phân tích cấp cao Adam Mount, Giám đốc Dự án Quốc phòng tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đón, tặng hoa chào mừng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tại khách sạn Melia ở Hà Nội trưa nay. Ảnh: TTXVN
Chỉ với việc xuất hiện ở Hà Nội đã là một thành công với ông Kim. Với tư cách là một sức mạnh hạt nhân và đối thoại với Mỹ mang lại cho ông Kim các cơ hội mới về ngoại giao và thương mại, và tăng cơ hội được giảm nhẹ trừng phạt từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ngoài ra ông Kim sẽ còn thành công hơn nếu ông Trump có nhượng bộ, như ông Trump đã làm ở Singapore năm ngoái khi tuyên bố ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.