Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đang đến rất gần.
Các chi tiết về cuộc gặp này vẫn chưa được công khai, và một trong những nội dung gây tò mò, băn khoăn là không biết tại kỳ gặp thượng đỉnh này hai lãnh đạo có họp báo chung hay không.
Thượng đỉnh lần 1: Không họp báo chung
Tại Singapore năm ngoái, hai ông Trump và Kim đã không có cuộc họp báo chung. Ngày 12-6-2018, mọi hành động của hai lãnh đạo Mỹ-Triều tại Singapore là tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới, từ cái bắt tay, đến việc cùng đi dạo, đến lễ ký tuyên bố chung về giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên đến phút cuối ông Kim Jong-un đã không xuất hiện cùng ông Trump trong cuộc họp báo. Thay vào đó ông Trump tổ chức họp báo một mình. Sau bài phát biểu mở đầu kéo dài 7 phút, ông Trump dành khoảng một tiếng để nhận và trả lời câu hỏi từ các nhà báo.
Tổng thống Mỹ Donald Trump họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh lần một với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tại Singapore ngày 12-6-2018. Ảnh: AP
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn dự đoán của nhiều chuyên gia rằng không như cuộc gặp thượng đỉnh lần một, lần này có khả năng hai lãnh đạo sẽ có cuộc họp báo chung đặc biệt nếu hai bên thống nhất được tiến trình giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
Theo các chuyên gia, việc không tham gia họp báo chung với ông Trump không có nghĩa ông Kim Jong-un hoàn toàn tránh né họp báo chung với các lãnh đạo khác.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần hai tháng 4-2018 ở làng Bàn Môn Điếm, sau khi ký tuyên bố chung, ông Kim Jong-un đã có cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Hai lãnh đạo đã dành mỗi người 5 phút để nói về cam kết giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên và nỗ lực xây dựng hòa bình. Tuy nhiên hai ông không nhận bất kỳ câu hỏi nào từ phía các nhà báo.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) trong kỳ thượng đỉnh liên Triều lần hai ở Bàn Môn Điếm, tháng 9-2018. Ảnh: REUTERS
Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần ba ở Bình Nhưỡng tháng 9-2018, tiến trình diễn ra cũng tương tự. Hai lãnh đạo cùng ký tuyên bố chung, tổ chức họp báo chung. Trong 20 phút họp báo hai lãnh đạo chỉ nói về thông điệp của mỗi bên, không nhận bất kỳ câu hỏi nào.
Cần họp báo để tối đa hóa ảnh hưởng thượng đỉnh
Theo các chuyên gia, tại thượng đỉnh Mỹ-Triều tới đây ở Hà Nội, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, cơ hội hai lãnh đạo Trump-Kim cùng đứng bên nhau trong cuộc họp báo chung trước truyền thông quốc tế rất lớn.
“Tại cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ-Triều sau 70 năm thù địch, hai ông Trump và Kim đã gây ấn tượng với thế giới chỉ với những cái bắt tay. Lần này họ cần cụ thể hơn nữa, vạch ra cụ thể các bước đi cho giải trừ hạt nhân” – theo Giáo sư Kim Yong-hyun tại đại học Dongguk (Hàn Quốc).
Với mục tiêu tối đa hóa ảnh hưởng từ cuộc gặp, thể hiện cam kết chung của mình với hòa bình và cải thiện quan hệ trong con mắt thế giới, hai bên cần và có thể thực hiện thêm nhiều sự kiện cùng nhau, trong đó có họp báo chung, theo Giáo sư Kim Yong-hyun.
Kỳ thượng đỉnh này ở Hà Nội được thiết kế diễn ra tới 2 ngày, không phải chỉ 1 ngày như ở Singapore, cho nên hai lãnh đạo sẽ dư dả thời gian hơn để tổ chức họp báo chung.
“Với việc đứng bên cạnh lãnh đạo của nước Mỹ, ông Kim Jong-un có thể đạt được mục tiêu xuất hiện như một lãnh đạo bình thường của một đất nước bình thường” – theo nhà phân tích cấp cao Shin Beom-chul tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan (Hàn Quốc).
Kỳ thượng đỉnh đầu tiên tháng 6-2018 tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên đã gây ấn tượng với thế giới, lần này khả năng lớn sẽ có họp báo chung giữa hai lãnh đạo. Ảnh: REUTERS
Theo dự đoán của các chuyên gia, nếu hai bên quyết định họp báo chung, khả năng lớn cuộc họp báo này sẽ diễn ra với hình thức tương tự các cuộc họp báo ông Kim Jong-un đã thực hiện với ông Moon Jae-in trong các kỳ thượng đỉnh liên Triều năm ngoái.
Tại cuộc họp báo ở Singapore, không chỉ nhận câu hỏi từ các nhà báo, ông Trump còn bất ngờ tuyên bố ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Tuyên bố này không chỉ gây bất ngờ lớn với Triều Tiên khi đây là một trong những yêu cầu dai dẳng của nước này với Mỹ, mà còn cả với cộng đồng thế giới.