Trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

(PLO)-  Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành nối hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có ý kiến giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư làm việc với Văn phòng Quốc hội để đăng ký nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm nay.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao tổng hợp các cơ chế đặc thù theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Phước vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có vốn góp nhà nước lớn. Ảnh minh họa.

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có vốn góp nhà nước lớn. Ảnh minh họa.

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8km, có tổng mức đầu tư sơ bộ ước khoảng 29.888 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 9.800 tỉ đồng, nhà đầu tư huy động khoảng 20.088 tỉ đồng.

Về phần vốn Nhà nước, hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước chỉ có thể đáp ứng 4.000 tỉ đồng (Đắk Nông khoảng 1.000 tỉ đồng, còn lại là Bình Phước), thiếu khoảng 5.800 tỉ đồng.

Đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Phước với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ, bổ sung cho ngân sách địa phương khoảng 5.800 tỉ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương năm 2022, để thực hiện dự án.

Chính quyền tỉnh Bình Phước cũng xin Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù tương tự như dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể ở đây là dự án được triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; cơ chế chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, xây lắp; cơ chế liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, đánh giá tác động môi trường…

Góp ý cho đề xuất trên, Bộ GTVT cho rằng trong trường hợp vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án khoảng 9.800 tỉ đồng, căn cứ Luật đối tác công tư (PPP), thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc Thủ tướng. Trường hợp UBND tỉnh Bình Phước đề xuất áp dụng các cơ chế đặc thù nêu trên, căn cứ quy định tại Điều 12, Luật PPP, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc Quốc hội.

Tháng 5-2022, Vingroup - Techcombank có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ GTVT đề xuất được thực hiện dự án theo hình thức PPP.

Hai đơn vị cam kết bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp các báo cáo này không được phê duyệt, Vingroup - Techcombank sẽ chịu mọi chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư công trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm