Sau khi lấy ý kiến bằng văn bản các thành viên Ban chỉ đạo và tổ tư vấn dự án đường sắt, Bộ GTVT vừa trình Thường trực Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, để Chính phủ tiếp tục xem xét cho ý kiến, trước khi trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua.
Nội dung đề án hiện đang được lưu hành theo quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quốc gia.
Theo đó, thông tin đề án đang lấy ý kiến nội bộ, vì đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên cần được xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng. Các thông tin đưa ra đang ở bước “hoàn thiện chủ trương đầu tư”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang tập trung vào ba kịch bản chính sau:
Kịch bản 1, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư kịch bản này khoảng 67,32 tỉ USD.
Kịch bản này có ưu điểm chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp hơn hai phương án khác, song không có khả năng tăng công suất nếu nhu cầu vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắt hiện hữu quá tải.
Kịch bản 2, xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung tàu khách và hàng. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỉ USD.
Ưu điểm của kịch bản 2 là vận chuyển cả hành khách và hàng hóa trên cùng tuyến. Kết nối liên vận quốc tế thuận lợi, song tốc độ lưu thông thấp.
Kịch bản 3, đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD.
Kịch bản ba nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.
Ưu điểm của kịch bản ba là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí đầu tư cao, chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn làm giảm năng lực thông qua.
Góp ý cho đề án của Bộ GTVT, một số thành viên bày tỏ nhất trí với chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam theo tinh thần Nghị quyết 29/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trong đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thành viên ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án, thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng, chi phí đầu tư đường sắt Bắc - Nam lên tới hàng chục tỉ USD, để đảm bảo tính khả thi của đề án, Bộ GTVT cần bổ sung các căn cứ pháp lý để đề xuất sơ bộ tổng vốn đầu tư.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, ba kịch bản Bộ GTVT đưa ra còn chưa phù hợp.
“Trên cơ sở nghiên cứu bài học các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam về quy mô kinh tế, điều kiện tự nhiên, xã hội, Bộ GTVT thực hiện rà soát và hoàn thiện lại các kịch bản.
Từ đó cung cấp cơ quan thẩm định đầy đủ thông tin để xem xét trình cấp có thẩm quyền lựa chọn kịch bản đầu tư phù hợp với điều kiện Việt Nam, đảm bảo hiệu quả đầu tư”- Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý kiến.