Đó là nội dung hướng dẫn mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM về việc bố trí thêm cửa đi đối với công trình, nhà ở trên địa bàn TP.
Sở Xây dựng cho biết trước đó một số địa phương cũng có văn bản hỏi sở về vấn đề này. Đồng thời Pháp Luật TP.HCM cũng có nhiều bài viết phản ánh những bất cập, không thống nhất giữa các địa phương khi giải quyết nhu cầu trổ cửa (bài “Hàng xóm không ưng, khỏi trổ cửa” và bài “Vụ trổ cửa: Giám đốc Sở Xây dựng lên tiếng”). Do đó, Sở ban hành Văn bản 6085 ngày 31-5-2018 hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất và đúng quy định Luật Xây dựng 2014.
Ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng, cho biết việc trổ cửa gồm cửa sổ lẫn cửa đi phải tuân theo Luật Xây dựng, BLDS 2015 và quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng có liên quan. Đồng thời phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc đô thị của mỗi địa phương.
Một trường hợp xin trổ thêm cửa bị khiếu nại gay gắt ở Gò Vấp. Ảnh: VH
Cụ thể, văn bản hướng dẫn của Sở dẫn lại quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN số 9411:2012: “Không được phép mở cửa đi, cửa sổ, cửa thông gió nếu tường nhà xây sát với ranh giới lô đất hoặc ranh giới nền nhà thuộc quyền sử dụng của người khác. Chỉ được phép nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà cạnh từ 2 m trở lên”. Ngoài ra, “mỗi nhà ở liên kế chỉ được phép mở một cổng chính. Việc mở thêm các cổng phụ, lối thoát nạn phải căn cứ vào yêu cầu cụ thể của công trình và được các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Về việc Luật Xây dựng 2014 quy định miễn giấy phép xây dựng đối với việc trổ cửa không làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài, không tiếp giáp đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc, ông Tiến cho rằng miễn phép không có nghĩa là không quản lý. Theo ông Tiến, việc quản lý trật tự xây dựng đối với công trình được miễn giấy phép xây dựng đã được quy định tại Thông tư 15/2016 của Bộ Xây dựng. Cụ thể, đối với các công trình được miễn phép xây dựng thì kiểm tra sự tuân thủ quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị (nếu có) hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc… Đối với khu vực chưa có quy hoạch xây dựng thì UBND các cấp theo phân cấp phải ban hành quy định về quản lý quy hoạch, kiến trúc để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng.
“Hiện nay UBND các quận, huyện được TP phân cấp quản lý các tuyến hẻm dưới 12 m. Do đó, quận/huyện có trách nhiệm lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để căn cứ vào đó quản lý các công trình miễn phép xây dựng, trong đó có việc trổ thêm cửa” - ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, quy định pháp luật hiện nay cũng đã rõ. “Các quận/huyện căn cứ vào quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc để xem xét, giải quyết cho người dân” - ông Tiến nói.
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM có các bài viết phản ánh những khó khăn, vướng mắc của địa phương liên quan đến vấn đề này. Theo quy định của Luật Xây dựng 2014, việc trổ cửa thuộc trường hợp miễn phép xây dựng nếu việc sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài, không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc. Trong thực tế, khi giải quyết nhu cầu của người dân, các quận/huyện mỗi nơi làm một kiểu. Một số quận/huyện cho trổ cửa mà không yêu cầu người dân phải xin ý kiến hàng xóm, trừ trường hợp là lối đi chung của cộng đồng. Trong khi đó, một số quận/huyện vẫn áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng từ năm 2010 buộc phải có sự đồng ý của hàng xóm trên cùng tuyến hẻm mới giải quyết. Điều này đã dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại tại nhiều quận như Gò Vấp, Bình Thạnh…