Việc trổ cửa thuộc diện miễn phép xây dựng, luật không quy định phải hỏi ý kiến hàng xóm nhưng một số nơi vẫn thực hiện thủ tục này căn cứ vào văn bản hướng dẫn từ năm 2010 (Công văn 172) của Sở Xây dựng. Việc này khiến người xin trổ cửa gặp nhiều khó khăn. Sở Xây dựng đã có hướng giải quyết.
Nhiều quận vẫn giải quyết cho trổ cửa
Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết quận áp dụng Luật Xây dựng để xử lý việc xin trổ cửa của người dân. Quận này không lấy ý kiến của cư dân xung quanh. “Nếu hộ dân có nhu cầu mà vẫn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và phù hợp với Luật Xây dựng thì giải quyết bình thường” - ông cho biết.
Liên quan đến công văn hướng dẫn của Sở Xây dựng, ông Bình nói: “Công văn của Sở hướng dẫn từ năm 2010 và phù hợp với bối cảnh tại thời điểm đó. Tuy nhiên, đến nay Luật Xây dựng mới đã ban hành và có quy định về vấn đề này. Luật không yêu cầu phải có sự đồng thuận của hàng xóm”.
Về việc quận Bình Tân cũng có những trường hợp trổ cửa bị hàng xóm khiếu nại, nhiều nhất là việc tranh chấp lối đi sau khi trổ cửa, ông Bình nói: Trong trường hợp này thì đó là quan hệ dân sự, nếu các hộ không tự dàn xếp thì địa phương hòa giải, không được nữa thì các bên khởi kiện ra tòa. Còn quận thì vẫn phải căn cứ quy định pháp luật để giải quyết nhu cầu của người dân. “Khi hộ dân đáp ứng đủ các quy định của pháp luật thì không có lý do gì để không giải quyết cả” - ông khẳng định.
Theo ông Bình, chỉ trong trường hợp hẻm trước nhà là hẻm chung, thuộc quyền sử dụng của các hộ dân thì khi trổ cửa mới phải lấy ý kiến của tất cả nhà liên quan. Hoặc việc trổ cửa sang ranh đất nhà bên cạnh thì cũng cần thỏa thuận và được sự đồng ý của hộ này.
Tương tự cách giải quyết của quận Bình Tân là quận 10. UBND quận 10 cho biết do Luật Xây dựng cũ chưa quy định cụ thể về vấn đề này nên quận đã hỏi Sở Xây dựng về việc trổ cửa cho nhà ở riêng lẻ theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, từ khi có Luật Xây dựng 2014 (quy định trổ cửa thuộc diện không phải xin phép xây dựng và không quy định muốn trổ cửa phải xin ý kiến các hộ dân trên cùng tuyến hẻm) thì địa phương này đã không yêu cầu phải lấy ý kiến của hàng xóm như văn bản hướng dẫn của Sở.
Căn nhà của một hộ dân tại đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh phải mất hơn hai tháng mới được trổ cửa do phải lấy ý kiến của hàng xóm. Ảnh: VIỆT HOA
Sở Xây dựng sẽ ban hành hướng dẫn mới
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết từ phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM, Sở Xây dựng tiếp thu và sẽ có văn bản tham mưu UBND TP ban hành hướng dẫn mới thay thế Công văn 172 trước đó.
Theo ông Tuấn, Công văn 172 phù hợp vào thời điểm ban hành khi Luật Xây dựng cũ chưa quy định về việc này. Tuy nhiên, hiện nay Luật Xây dựng 2014 ra đời và đã có quy định cụ thể về việc trổ cửa. Do đó, Sở Xây dựng sẽ thu hồi, hủy bỏ văn bản trên để hướng dẫn lại cho phù hợp với quy định pháp luật mới và thực tiễn.
“Hướng dẫn trước đây nếu không còn phù hợp với quy định hiện hành thì phải sửa. Pháp luật không quy định phải lấy ý kiến của các hộ lân cận khi trổ cửa thì không được yêu cầu thủ tục này” - giám đốc Sở Xây dựng khẳng định.
Ông Tuấn cũng thông tin việc ban hành hướng dẫn mới dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3 theo tinh thần tôn trọng và bảo vệ lợi ích của người có tài sản là nhà ở và chủ sở hữu tài sản liền kề. “Căn cứ vào quy định tại Luật Xây dựng, Bộ luật Dân sự, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định về việc cho phép trổ cửa hay không. Không thể vì sợ phát sinh tranh chấp, sợ trách nhiệm mà đẩy cái khó về cho người dân cũng như đẻ thêm thủ tục hành chính” - ông Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, giám đốc Sở Xây dựng cũng lưu ý thêm mặc dù việc trổ cửa thuộc trường hợp miễn phép xây dựng nhưng không có nghĩa là chủ đầu tư được tự ý trổ cửa theo ý thích, nói cách khác là “không phải muốn làm gì thì làm”. Theo đó, chỉ khi nào căn nhà đảm bảo pháp lý về đất đai xây dựng, quy hoạch cũng như việc trổ cửa đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng thì mới được phép thực hiện.
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng luật không quy định phải hỏi ý kiến hàng xóm thì mới được trổ cửa, do đó không thể buộc người dân phải thực hiện thủ tục này. “Công văn hướng dẫn của Sở Xây dựng mang tính tham khảo, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Việc trổ cửa (không thuộc trường hợp hẻm chung và thuộc diện bị cấm theo Bộ luật Dân sự) phụ thuộc ý chí của hàng xóm là không hợp lý” - ông bày tỏ. |