Trộm tiền khi đánh nhau

Ngày 31-10, sau nhiều ngày nghị án, TAND quận 11 (TP.HCM) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Nhơn bốn năm tù về hai tội cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản. Bảy bị cáo còn lại lần lượt bị phạt từ chín tháng tù treo đến một năm chín tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Trước đây, tòa và viện đã không thống nhất phần tội danh của bị cáo Nhơn.

Lòng tham trỗi dậy

Theo hồ sơ, chiều 1-9, nhóm Nhơn kéo đến đánh ông Nguyễn Công Thành (chủ một hiệu cầm đồ) vì vài ngày trước một người trong nhóm đã bị nhân viên tiệm này hành hung. Trong lúc xô xát, Nhơn đã mở ngăn kéo bàn làm việc của ông Thành lấy được mấy cọc tiền và một điện thoại di động rồi bỏ chạy. Sau đó, nhóm của Nhơn cũng lần lượt rút lui.

Ông Thành đã đến cơ quan trình báo sự việc và cho rằng mình bị mất 130 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi bị bắt, Nhơn khai mở ngăn kéo lấy được 70 triệu đồng chứ không phải 130 triệu đồng như nạn nhân nói.

Cuối cùng, cơ quan điều tra Công an quận 11 xác định Nhơn chiếm đoạt 70 triệu đồng; khởi tố Nhơn về tội cố ý gây thương tích và tội cướp tài sản.

Trộm tiền khi đánh nhau ảnh 1

Trộm chứ không cướp

Sau khi nhận hồ sơ, VKSND quận 11 cũng thống nhất truy tố Nhơn về hai tội danh trên. Tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua, công tố viên lập luận khi đánh nhau Nhơn đã dùng hung khí đánh, làm cho người bị hại tê liệt ý chí và rơi vào tình trạng không thể chống cự được. Hành vi chiếm đoạt tài sản được thực hiện ngay sau đó. Hành vi đánh nhau là tiền đề, có mối quan hệ nhân quả với hành vi chiếm đoạt tiền của nạn nhân nên bị cáo phạm vào tội cướp cùng với tội cố ý gây thương tích.

Thế nhưng luật sư của Nhơn cho rằng việc định tội của phía công tố là không chính xác. Nhơn không có ý thức chiếm đoạt tài sản từ trước. Hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo mang tính cơ hội, lợi dụng hoàn cảnh đánh nhau lộn xộn. Do vậy, bị cáo không phạm tội cướp tài sản mà chỉ phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản…

Phần mình, TAND quận 11 lập luận hành vi của Nhơn không phạm vào tội cướp và tội công nhiên... mà phạm vào tội trộm cắp tài sản. Ý thức chiếm đoạt tài sản phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì mới phạm tội cướp. Trong khi đó, ý thức ban đầu của tất cả bị cáo, trong đó có bị cáo Nhơn chỉ là đi gây thương tích cho người bị hại. Đồng thời, bị cáo Nhơn cũng không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản vì bị cáo không công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của người bị hại.

Tòa xác định hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo được thực hiện một cách cơ hội, lén lút với các bị cáo khác và với cả người bị hại trong hoàn cảnh cả nhóm đang đánh nhau hỗn loạn. Sau đó, bị cáo đã giấu tiền vào trong người rồi bỏ chạy ra ngoài. Hành vi này phạm vào tội trộm mới chính xác… Do vậy, tòa tuyên án như trên.

Bị cáo đã phạm tội trộm cắp…

Tôi đồng tình với nhận định của tòa sơ thẩm khi cho rằng hành vi chiếm đoạt 70 triệu đồng của bị cáo Nhơn là phạm vào tội trộm cắp tài sản. Bởi ở đây hành vi dùng vũ lực của bị cáo đã chấm dứt cũng như ban đầu ý thức của bị cáo không phải dùng vũ lực để chiếm đoạt tiền mà để đi đánh trả thù cùng các đồng phạm. Việc nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên xuất hiện sau trong lúc đánh nhau và bị cáo Nhơn đã lén lút chiếm đoạt số tiền trên. Bị cáo lén lút với các bị cáo khác cũng như với người bị hại. Hành vi lén lút chính là đặc trưng của tội trộm cắp tài sản. Vì vậy, hành vi của Nhơn không phải cướp tài sản như cáo trạng đã quy buộc cũng như không phải là công nhiên chiếm đoạt tài sản mà luật sư xác định…

Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM,
Viện Phúc thẩm 3 (VKSND Tối cao)

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm