“Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, năm 2020-2021, hàng giả hàng nhái giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên từ đầu năm 2022, khi dịch giảm đi thì tốc độ, quy mô, tính phức tạp của hàng giả ngày càng tăng và tinh vi”.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết như trên tại toạ đàm “Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại” do Tạp chí Công Thương tổ chức vào sáng nay, 28-7.
Quy mô hàng giả ngày càng gia tăng
Tiếp tục chia sẻ, ông Linh lấy dẫn chứng cho nhận định vừa rồi của mình, đó là trước đây hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chỉ tập trung ở một số lĩnh vực như mĩ phẩm, đồ gia dụng, thì giờ diễn ra ở nhiều mặt hàng, trong đó có cả xăng dầu cũng bị làm giả, kém chất lượng rất phổ biến, cạnh đó là vật tư nông nghiệp, phân bón.
|
Toạ đàm “Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại”. |
“6 tháng đầu năm Quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện rất nhiều vụ sản xuất phân bón giả. Nhiều vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng, các đối tượng trộn cả đất, sỉ để làm phân bón bán ra thị trường, trong khi trước kia rất ít xảy ra” - ông Linh nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, gần đây nhất, cách đây 2 ngày, Tổng cục đã chỉ đạo QLTT Bắc Ninh phối hợp cùng lực lượng Công an kiểm tra, phát hiện một số lượng rất lớn, khoảng 20 tấn nước hoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng…
Theo ông Linh, 6 tháng đầu năm, tốc độ và quy mô của hàng giả ngày càng gia tăng. Đặc biệt, môi trường cho hàng giả đưa vào lưu thông ngày càng trở nên dễ dàng. Ví dụ trên các mô hình kinh doanh online, hàng giả được vận chuyển tương đối công khai khi các đối tượng lợi dụng hoạt động chuyển phát của các hãng vận chuyển chính thức.
Đến thời điểm này, do dịch COVID-19, Trung Quốc siết chặt xuất nhập khẩu qua các đường mòn, lối mở nên hàng hoá phải đi chính ngạch, các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng giả đang tìm cách luồn lách để đi kênh chính ngạch. Việc sản xuất, thẩm lậu hàng giả vào thị trường nội địa rất phức tạp.
Ngay trong nội địa, các đối tượng ở làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả, chủ yếu thực phẩm. Đơn cử cách đây một tháng lực lượng QLTT phát hiện trường hợp sản xuất mật ong giả chỉ bán trên Facebook.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, cho biết trong bối cảnh COVID-19 vừa qua, thương mại điện tử như một phao cứu sinh cho doanh nghiệp tồn tại trong mùa dịch.
“Thương mại điện tử ở Việt Nam trong những năm vừa qua tăng trưởng từ 25-30%, nhưng khi số lượng và giá trị giao dịch ngày càng gia tăng thì phát sinh đi kèm là những vấn đề hàng giả, hàng nhái, lừa đảo trên môi trường trực tuyến cũng có xu hướng gia tăng” - ông Tuấn nói.
|
Lực lượng QLTT tỉnh Tiền Giang phát hiện một trường hợp buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng. Ảnh: DMS |
Và theo đó, những thủ đoạn mới của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi. Các đối tượng đăng thông tin, livetreams bán hàng một nơi nhưng kho một nơi, bán hàng qua các trung gian để kiếm lời, hoặc chia kho ở nhiều tỉnh khác nhau, để hàng hoá ở các khu chung cư… nên các cơ quan chức năng khi đi kiểm tra xử lý vi phạm rất khó khăn.
Ngoài hàng giả còn có hàng cấm, các đối tượng không bán một sản phẩm mà chia nhỏ sản phẩm rồi bán; hoặc các đối tượng thoả thuận với nhau trên các nhóm kín rồi đưa bán trên các sàn thương mại điện tử để lợi dụng dịch vụ vận chuyển của sàn để giao hàng rồi xoá các sản phẩm đó đi; hoặc thu nhập thông tin người dùng trái phép…
Về các giải pháp, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết trong năm 2022, QLTT sẽ trình ba đề án tập trung công tác chống hàng giả. Trong đó, một đề án về xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vì muốn chống hàng giả tận gốc thì quốc gia phải có thệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá.
Đề án thứ hai là chống gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử. Đề án thứ ba là nâng cao năng lực thực thi cho QLTT về xâm phạm sở hữu trí tuệ. Ba đề án này sẽ phân công cụ thể cho các bộ ngành, và nguồn lực triển khai.
Ngoài ba đề án này, ông Linh cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm tra thật chặt chẽ quyết liệt thì mới hi vọng phần nào đẩy lùi vấn hạn hàng giả, nhưng phải có trọng tâm trọng điểm, nhất là đối với không gian mạng.
“Theo dự báo của chúng tôi, chỉ 2-3 năm nữa, tỷ trọng kiểm tra đối với QLTT là 60% trên mạng, và phải có mặt hàng trọng điểm” - ông Linh cho biết.
Giải pháp thứ ba là công tác về truyền thông phải được đẩy mạnh và đa dạng để người tiêu dùng không thoả hiệp sử dụng hàng giả, hàng giả.