Sáng 3-11, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Luật TNBTCNN).
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), đánh giá Luật TNBTCNN năm 2017 được ban hành đã tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TNBTCNN, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Mặt khác, Luật TNBTCNN đã thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyển, lợi ích của nhà nước; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thì hành công vụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.
Cục trưởng Nguyễn Văn Bốn cũng cho biết dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng từ khi Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực (ngày 1-7-2018) đến ngày 30-6-2023, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên toàn quốc đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong đó, số vụ việc đã có văn bản giải quyết bồi thường (có hiệu lực pháp luật) là 103 vụ việc (đạt tỉ lệ 61,3 %), với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường là gần 77 tỉ đồng; 22 vụ việc đã đình chỉ, còn lại 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Trong 5 năm, Bộ Tài chính đã cấp tổng số kinh phí thực hiện công tác bồi thường nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN cho các cơ quan TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) với hơn 66 tỉ đồng cho 91 đối tượng để các cơ quan thực hiện việc chi trả bồi thường.
Đến nay, các cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xem xét hoàn trả đối với 68/72 vụ việc đã chi trả bồi thường với số tiền phải hoàn trả hơn 868 triệu đồng, số vụ việc không xem xét trách nhiệm hoàn trả là 23 vụ việc…