Bài hát khuyên con trẻ nên nhớ công ơn cha mẹ bởi bao hy sinh, vất vả nuôi con ăn học, kể cả chuyện cha mẹ vật vạ ngồi trước cổng trường từ khuya để sáng sớm chen lấn, giành giật được lá đơn xin cho con vào một trường tốt nào đó. Dĩ nhiên những người có chức có quyền hay lắm tiền nhiều của thì chẳng cần gì phải vất vả giành giật cái đơn xin học như thế, bởi chỉ cần cái bao thư dày hoặc một cú điện thoại, vài dòng vài chữ của anh Hai, chú Ba là đứa trẻ đã có một chỗ tốt của ngôi trường điểm ngay! Bài hát được minh họa với một video clip chiếu cảnh chen lấn giành giật ở trước cổng trường rất phản cảm! Đối với hầu hết người Việt từ lâu có lẽ đã quá quen với những cảnh chen lấn xô đẩy để mua lương thực, chất đốt, vé tàu xe…, thậm chí chen lấn xô đạp chỉ để mua vé xem phim xem hát, từ thời bao cấp và vẫn còn vương vất tới hôm nay. Mặc dù bây giờ đời sống đã khá lên nhiều và cũng chẳng thiếu thốn gì nhiều nhưng cái thói hư tật xấu ấy đã ăn lưu cữu vào tâm thức, khó mà buông bỏ! Nhưng với những đứa trẻ - “những người chủ tương lai của đất nước” mai sau lớn lên nhớ đến công ơn dưỡng dục của cha mẹ chúng sẽ nghĩ gì về những hình ảnh phản cảm đó?
Tôi lại nhớ đến một đoạn clip minh họa cho một bài bình luận của một nhà báo nước ngoài chiếu cảnh những người Nhật nạn nhân trận động đất và sóng thần kinh hoàng mấy năm trước lặng lẽ xếp hàng dài trong gió tuyết lạnh căm để chờ tới phiên mình được lãnh hàng hóa hay lương thực do các tổ chức cứu trợ phân phát. Kế đó là đoạn clip phát đi hình ảnh những người Philippines cũng là nạn nhân của cơn bão dữ tàn phá cả một thành phố vài năm sau đó chen lấn, dẫm đạp lên nhau để giành giật hàng cứu trợ từ các tổ chức nhân đạo. Hai cảnh ngộ tương đồng nhưng hai hình ảnh tương phản đã nói lên tất cả lý do tại sao nước Nhật đã trở thành một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới mặc dù họ bại trận trong Thế chiến thứ 2 và đất nước họ bị san bằng. Bởi ngoài trí thông minh sáng tạo, người Nhật còn có tính kỷ luật rất cao. Trí thông minh sáng tạo người Việt ta không thua kém người Nhật nhưng tính kỷ luật ta còn thiếu. Vì vậy mặc dù hầu như năm nào học sinh Việt Nam cũng đoạt giải vàng, giải bạc các kỳ thi quốc tế nhưng hầu hết đoạt xong chỉ đề đó mà thôi.
Lại xót xa nhớ đến đoạn clip đăng trên Pháp Luật TP.HCMtháng rồi quay cảnh một thanh niên cặp cổ một sĩ quan CSGT vật té nhào xuống đất. Tên này còn đá, đạp, đánh vào đầu, vào cổ anh CSGT ngay trước một trung tâm thương mại ở Thanh Hóa, sau đó bỏ đi trước sự chứng kiến thản nhiên của đông đảo người dân - trong đó có nhiều đàn ông, thanh niên. Nhiều người rất phẫn nộ sau khi xem đoạn clip nói trên. Tôi cũng hết sức phẫn nộ về hành vi coi thường pháp luật nói trên nhưng cũng rất ngạc nhiên trước sự nhẹ tay khó hiểu của người CSGT. Anh thi hành công vụ có mang theo vũ khí mà để một kẻ tay không bắt nạt giữa thanh thiên bạch nhật như thế? Ở Mỹ chỉ cần anh vi phạm luật giao thông thôi, cảnh sát tuýt còi, nếu cần họ yêu cầu anh để tay lên đầu, anh bất tuân là họ có quyền bắn ngay. Xin nêu một trường hợp về cách xử phạt nghiêm khắc ở Mỹ. Một anh bạn tôi ở Mỹ giận vợ, sầu đời, đến nhà bạn uống vài ly để xổ bầu tâm sự, lúc lái xe về bị CSGT tuýt còi, tịch thu bằng lái… Mà ở Mỹ bị giam bằng lái xe coi như “chặt chân”. Anh còn bị tòa tuyên phạt cả chục ngàn đô, học lại luật giao thông trong sáu tháng, lại còn bị phạt làm lao động công ích ba tháng, sau đó mới được thi lấy bằng lại. Bạn tôi bảo: “Lỡ dại một lần em tởn tới già”.
PHẠM CHU SA