Dư luận đang chăm chăm vào chuyện xử một trọng tài sai lè lè trong một tình huống cho chủ nhà FLC Thanh Hóa hưởng quả 11 m ở phút 90.
Giới bóng đá thì lại có những ca thán mang tính thống kê và ngờ vực: Các đội khách đến sân Thanh Hóa thi đấu bao giờ cũng khó và cũng khổ vì thường xuyên bị ép.
Những nhà tổ chức, những nhà quản lý trọng tài sau nhiều lần khen và bênh vực trọng tài, bây giờ mới bắt đầu có chính kiến rằng sẽ xử trọng tài Hà Anh Chiến vì sai quá nặng.
Từ cảnh báo của bầu Kiên
Mùa giải 2013, trong cuộc họp sơ kết, bầu Kiên khi ấy là Phó Chủ tịch VPF đã chỉ thẳng mặt một số lãnh đạo đội bóng, trong đó có bầu Đệ (khi ấy là ông bầu của đội Thanh Hóa) và lên tiếng: “Các anh đừng cho tiền trọng tài nữa. Chúng tôi đã treo còi vĩnh viễn hai trọng tài vì có bằng chứng nhũng nhiễu, nhận tiền các đội bóng. Chúng tôi cũng có bằng chứng các anh cho tiền trọng tài và làm hư các trọng tài…”.
Hai trọng tài mà bầu Kiên đề nghị ban trọng tài treo còi vĩnh viễn khi ấy cũng đã được nhắn nhủ: “Nếu họ có ý kiến hay muốn khiếu nại gì cứ để họ gặp trực tiếp tôi và tôi sẽ cho họ xem bằng chứng và khi ấy không loại trừ hai trọng tài đấy có thể sẽ bị khởi tố!”.
Đấy là vụ “dằn mặt” trọng tài lớn nhất trong làng bóng nội mà phía đơn vị tổ chức là VPF làm được bởi họ có công cụ để thực hiện.
Pha bóng phạm lỗi ở ngoài khu 16,50 m rất xa nhưng được trọng tài biến thành quả 11 m cho chủ nhà FLC Thanh Hóa. Ảnh: Chụp lại từ VTV6
Trọng tài Chiến (trái) và HLV Ngô Quang Trường bực tức khi bị cướp một chiến Thắng. Ảnh: CTV
Đến vụ VPF bị tố ngược
Cũng mùa giải trên, đến cuộc họp tổng kết giải thì chính phía VPF bị lãnh đạo đội bóng mà cụ thể là bầu Đệ tố ngược lại. Bầu Đệ đã lên đăng đàn nói rằng việc bầu Kiên là phó chủ tịch VPF tự tìm bằng chứng để loại vĩnh viễn trọng tài hay để tố một vài lãnh đạo đội bóng cho tiền trọng tài bằng “nghiệp vụ” nghe lén điện thoại là phạm luật.
Trước những lời phản pháo đấy, phía VPF có vẻ lung lay cho dù điều mà bầu Kiên trước đó làm, đã giảm thiểu nhất định tình trạng nhũng nhiễu của trọng tài. Tương tự là mối quan hệ của đội bóng với trọng tài cũng giảm rõ.
Cũng cần phải trở lại phiên tòa lãnh đạo các đội bóng hối lộ trọng tài năm 2005. Hồi đấy, đứng trước vành móng ngựa, lãnh đạo đội bóng thú thật rằng việc cầm tiền cho trọng tài là để các trọng tài không ép đội bóng của mình. Còn phía các trọng tài thì thản nhiên khai rằng: “Bị cáo được cho tiền thì bị cáo nhận chứ bị cáo không hứa hẹn sẽ ép đội này hay ưu ái cho đội kia” (!?).
Có phải vì FLC bảo trợ cho giải nên Thanh Hóa được ưu ái?
Câu hỏi này cần phải đặt ra vì nhiều thông tin cho rằng đội FLC Thanh Hóa luôn được ưu ái bởi trọng tài. Mùa trước trận FLC Thanh Hóa - HA Gia Lai rất ồn ào quanh bàn thắng ma nhưng rồi chìm xuồng. Mùa này trước khi xảy ra quả 11 m tưởng tượng trọng trận FLC Thanh Hóa - SL Nghệ An thì trận FLC Thanh Hóa - HA Gia Lai cũng được dư luận và giới chuyên môn lên tiếng rất nhiều. Tuy nhiên, các trọng tài cứ như được mặc “áo giáp” qua những kết luận của ban trọng tài. Đấy cũng là điều mà không ít lãnh đạo đội bóng cho rằng sân Thanh Hóa giống như “vùng cấm”.
Trao đổi với chúng tôi về thông tin trên, Giám đốc VPF Cao Văn Chóng chia sẻ rằng FLC có bảo trợ cho giải cũng giống như Becamex và Đồng Tâm Long An hay HA Gia Lai trước đây cũng vẫn bảo trợ cho giải vậy. Nói là bảo trợ nhưng là mối quan hệ hợp tác của hai bên nhằm giúp bóng đá Việt Nam phát triển tốt chứ không phải cứ bảo trợ thì được ưu ái. Chúng tôi (VPF) đã xác định rất rõ việc bảo trợ này không ảnh hưởng đến yếu tố chuyên môn…”.
Bao giờ thì trọng tài thôi “giết” đội bóng?
Năm nào cũng thế, trước mỗi mùa giải thì công tác tập huấn trọng tài luôn được thực hiện rất chu đáo. Họ được xem băng ghi hình, được phân tích các tình huống và được giảng dạy về nghiệp vụ. Gần đây hơn còn có cán bộ của cơ quan điều tra xuống tận lớp giảng cho các trọng tài về những vụ án được bóc mẽ, trong đó có cả các vụ án mà trọng tài khi ra vành móng ngựa rồi vẫn nghĩ rằng mình không có tội.
Một trọng tài kỳ cựu chia sẻ rằng làm trọng tài ở Việt Nam khó hơn đi làm ở nước ngoài bởi gắn đến nhiều mối quan hệ và bởi các đội bóng hay biếu xén, nhờ vả. Có khi chỉ là câu “Giúp anh bắt công bằng là được rồi!”, tuy nhiên hiếm có trọng tài nào mà nhận tiền chỉ để bắt công bằng. Nói đội bóng làm trọng tài hư cũng đúng vì có nhiều ông chủ muốn có thành tích để thực hiện những mục tiêu ngoài bóng đá”.
Năm 1997, trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng từng bị treo còi vĩnh viễn vì “giết” đội Bình Dương cũng bằng quả 11 m tưởng tượng trong trận Bình Dương - SL Nghệ An. Cũng năm đấy lần đầu tiên Hội đồng Trọng tài Việt Nam có bản nhận xét đạo đức các trọng tài. Tuy nhiên, điều mà chính các trọng tài khi ấy cảm thấy bị tổn thương là những dích dắc của đội bóng với “sếp” của ông trưởng ban trọng tài hay với chính bộ phận điều hành bóng đá thì có lúc lại quan hệ như môi với răng.
Trọng tài “giết” đội bóng lỗi trước tiên ở trọng tài nhưng sâu xa hơn lại là lỗi của một nền bóng đá còn nhiều nhiễu nhương và chưa chuyên nghiệp.