Ngày 26-11 (giờ địa phương), ông nhấn mạnh: “Nhân dân đã bày tỏ và bầu cử kết thúc rồi… Chúng ta phải chấp thuận kết quả và nhìn về tương lai”.
Hôm trước đó, nhà hoạt động môi trường Jill Stein của đảng Xanh đã chính thức nộp đơn đề nghị kiểm phiếu lại tại bang Wisconsin. Bà cũng dự tính đề nghị kiểm phiếu lại ở hai bang Pennsylvania và Michigan. Êkíp của bà Hillary Clinton cho biết bà sẽ tham gia cuộc kiểm phiếu lại ở ba bang nêu trên.
Ông Trump đã chiến thắng ở ba bang nêu trên với số phiếu cách biệt 20.000 phiếu ở bang Wisconsin, 70.000 phiếu ở Pennsylvania và 10.000 phiếu ở bang Michigan.
Báo New York Magazine ngày 22-11 cho rằng đã xảy ra gian lận bầu cử tại ba bang trên. Bà Clinton thu được số phiếu từ các phòng phiếu dùng máy bỏ phiếu điện tử ít hơn 7% so với các điểm bỏ phiếu bằng tay.
Nhiều nhà khoa học và luật gia đã đưa ra giả thiết: Máy bỏ phiếu điện tử (ảnh) đã bị tác động? Kỹ sư-nhà toán học Emily Gorcenski nhận xét mức độ bảo mật của máy bỏ phiếu điện tử Mỹ không cao vì không qua các bước xác nhận trước khi dùng.
GS tin học John Alex Halderman ở ĐH Michigan giải thích đầu tiên bọn xấu sẽ điều nghiên các phòng phiếu để tìm cách xâm nhập vào máy tính. Đến gần ngày bầu cử, chúng phát tán phần mềm độc hại thay đổi kết quả vào máy bỏ phiếu điện tử tại các bang có mức so kè khốc liệt. Phần mềm được cài đặt để chỉ hoạt động trong ngày bầu cử rồi tự xóa khi phòng phiếu đóng cửa.
Giả thiết này được đưa ra vì có nhiều dấu hiệu bất thường xảy ra như tin tặc tấn công Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ và thư điện tử của giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton bị đánh cắp. Bộ An ninh nội địa và Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ cũng đã ra thông cáo chung khẳng định Nga đã tấn công mạng nhằm can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ.
GS Ron Rivest ở Học viện Công nghệ Massachusetts và GS Philip Star ở ĐH California nhận xét trên báo USA Today cần phải điều tra dù không có bằng chứng.