Trung Quốc không cung cấp vũ khí trực tiếp hay gián tiếp cho Libya. Ngày 5-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố như trên. Bà Khương Du cho biết hồi tháng 7, chính phủ của ông Gaddafi có cử người đến Trung Quốc để tiếp xúc với một số công ty nhưng chính phủ Trung Quốc hoàn toàn không hay biết.
Bà khẳng định: “Các công ty Trung Quốc không ký hợp đồng thương mại và không xuất khẩu thiết bị quân sự cho Libya”. Bà nói cơ quan chức năng phụ trách về vũ khí sẽ xem xét nghiêm túc đối với các công ty có liên quan.
Trước đó, báo The Globe and Mail của Canada ngày 4-9 tiết lộ: Bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an LHQ, giữa tháng 7, các công ty quân khí Trung Quốc đã sẵn sàng giao số lượng lớn vũ khí cho chính phủ ông Gaddafi thông qua trung gian của Algeria và Nam Phi.
Báo không khẳng định vũ khí đã được giao hay chưa nhưng cho biết phe nổi dậy Libya có trong tay tài liệu chứng minh điều này. Tài liệu được tìm thấy trong một bãi rác tại khu phố Bab Akkarah ở Tripoli sau khi Tripoli thất thủ.
Theo báo, các chuyên gia quân sự cấp cao của ông Gaddafi đã đến Bắc Kinh vào giữa tháng 7 và tiếp xúc với ba công ty China North Industries Corp. (Norinco), China National Precision Machinery Import & Export Corp. (CPMIC) và China XinXing Import & Export Corp.
Chiến thắng của phe nổi dậy Libya dưới ngòi bút biếm của PATRICK CHAPPATTE (báo Mỹ The International Herald Tribune)
Các công ty Trung Quốc cho biết sẵn sàng bán vũ khí và có thể sản xuất thêm, yêu cầu giữ bí mật phi vụ, đề nghị các hợp đồng sẽ được thiết lập với Algeria hoặc Nam Phi. Nhiều loại vũ khí theo yêu cầu đã có trong kho quân đội Algeria và có thể vận chuyển ngay qua biên giới. Trong các loại vũ khí có xe chở pháo, tên lửa chống tăng, tên lửa đất đối không QW-18 (giống tên lửa vác vai Stinger của Mỹ).
Dù Trung Quốc không bán vũ khí cho chính quyền ông Gaddafi hoặc tài liệu được báo nêu không có căn cứ, quan hệ giữa Bắc Kinh và Hội đồng Dân tộc Quá độ Libya cũng có nguy cơ sứt mẻ.
Cuối tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quá độ Mustafa Abdul Jalil đã lên án Trung Quốc cản trở việc giải ngân tài sản Libya bị phong tỏa ở nước ngoài.
Sau một thời gian do dự, Trung Quốc đã tiếp xúc với Hội đồng Dân tộc Quá độ Libya. Ngày 4-9, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ thời kỳ quá độ ổn định quyền lực ở Libya. Dù vậy, Trung Quốc là nước thành viên thường trực duy nhất trong Hội đồng Bảo an chưa thừa nhận Hội đồng Dân tộc Quá độ Libya.
Thực ra Trung Quốc lo ngại chế độ thay đổi ở Libya sẽ phương hại đến lợi ích của Trung Quốc. Trước xung đột, mỗi ngày Trung Quốc nhập khẩu 150.000 thùng dầu thô của Libya (3% sản lượng nhập khẩu). Trung Quốc liên quan đến 50 dự án ở Libya với giá trị tổng cộng 18,8 tỉ USD. Các dự án đều bị ngưng trệ do chiến sự. Trung Quốc cũng không mong muốn phương Tây giữ vai trò quá quan trọng trong thời kỳ hậu Gaddafi.
Báo New York Times của Mỹ ngày 4-9 đã đăng bài viết tương tự như báo The Globe and Mail. Theo báo New York Times, phe nổi dậy Libya có trong tay một số tài liệu chứng minh Trung Quốc bán vũ khí cho chính phủ ông Gaddafi, trong đó có một văn kiện của chính phủ Libya ngày 16-7 nêu chi tiết chuyến thăm Trung Quốc của một phái đoàn đàm phán thương mại Libya. Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết không biết gì. Trong khi đó, cơ quan giám sát cấm vận của LHQ trả lời không có gì đáng lưu ý liên quan đến các hợp đồng vũ khí của Trung Quốc. |
HOÀNG DUY (Theo AFP, Reuters, AP)