Theo đó, Trung Quốc cấm nhập khẩu vàng và đất hiếm từ Triều Tiên, đồng thời cấm xuất khẩu sang nước này nhiên liệu máy bay và những sản phẩm dầu để chế biến nhiên liệu cung cấp cho tên lửa, Reuters đưa tin.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết hồi đầu tháng 3-2016 để mở rộng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nhằm cắt nguồn cung cấp cho chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1-2016.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi một vụ phóng tên lửa đạn đạo ở một nơi bí mật. Ảnh: EPA
Khai khoáng là ngành công nghiệp quan trọng đối với nền kinh tế của Triều Tiên, gần như đã bị cắt hoàn toàn khỏi thị trường thế giới. Giới chuyên gia cho rằng nguồn thu của ngành khai khoáng đóng góp đáng kể cho chi tiêu quốc phòng của Bình Nhưỡng.
Bộ Thương mại Trung Quốc còn cho biết cũng cấm cập cảng đối với những tàu thuyền chở than từ Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ nhưng phải phù hợp với lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Đó là các trường hợp đối với mục đích dân sinh và không liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa.
Triều Tiên đã xuất sang Trung Quốc khoảng 20 triệu tấn than hồi năm 2015, tăng 27% so với năm trước đó, vượt qua Nga và Mông Cổ để trở thành nước cung cấp than lớn thứ 3 cho Trung Quốc, sau Úc và Indonesia.
Lệnh cấm xuất khẩu sang Triều Tiên nhiên liệu máy bay và tên lửa cũng không áp dụng cho “nhu cầu nhân đạo cơ bản” kết hợp với kiểm tra và các chuyến bay hành khách dân dụng bay bên ngoài đất nước Triều Tiên.
Các chuyên gia độc lập nhiều lần kêu gọi Trung Quốc gia tăng chương trình cấm vận đối với Triều Tiên, vốn có mối quan hệ kinh tế rất thân thiết với nước láng giềng Trung Quốc.
Giới chức ngoại giao Mỹ bày tỏ lạc quan khi cho rằng chương trình cấm vận sẽ phát huy tác dụng hơn trong việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nếu được Trung Quốc ủng hộ và tham gia mạnh mẽ.
Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên không ủng hộ và nhiều lần kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân.