Hãng Reuters đưa tin thượng nghị sĩ Pháp Alain Richard - cựu bộ trưởng quốc phòng – ngày 8-10 cho rằng Đài Loan nên được gọi là một “quốc gia”, động thái vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.
Một phái đoàn thượng nghị sĩ Pháp – do ông Richard dẫn đầu – đang có chuyến thăm Đài Loan từ ngày 4-10 đến ngày 11-10, bất chấp sự phản đối liên tục từ Bắc Kinh, trong đó có cảnh báo của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp rằng chuyến thăm sẽ "phá vỡ không cần thiết" quan hệ giữa các bên.
Trung Quốc chỉ trích việc thượng nghị sĩ Pháp gọi Đài Loan là 'quốc gia'. Ảnh: REUTERS
Hội đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 7-10, ông Richard cho biết Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Paris đang làm "một công việc rất tốt trong việc đại diện cho đất nước của bà".
Phát biểu với các phóng viên hôm 8-10, ông Richard - người đứng đầu Nhóm Hữu nghị Đài Loan của Thượng viện Pháp - thừa nhận rằng việc gọi các văn phòng đại diện của Đài Loan là một vấn đề phức tạp.
"Điều gây ấn tượng với tôi là tên của hòn đảo này và đất nước này là Đài Loan. Vì vậy không có gì to tát khi ngăn cản đất nước này sử dụng tên của họ" - ông Richard nói với các phóng viên bằng tiếng Anh.
Ông nói thêm bằng tiếng Pháp rằng từ "đất nước", trong tiếng Pháp, trước hết có nghĩa là một không gian địa lý, không phải một không gian chính trị.
Phản ứng trước động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 8-10 cho biết việc gọi Đài Loan là một “quốc gia” là hành động "vi phạm trắng trợn sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế, gồm cả Pháp".
“Những người như ông Richard hoặc thiếu sự tôn trọng và hiểu biết cơ bản nhất về các chuẩn mực quan hệ quốc tế, hoặc ảnh hưởng mối quan hệ giữa các nước dựa trên sự ích kỷ cá nhân” – ông Triệu nói thêm.
"Trung Quốc cực lực lên án và kiên quyết phản đối việc này" – người phát ngôn nhấn mạnh.
Tên gọi của Đài Loan là một vấn đề phức tạp.
Theo Reuters, Đài Loan không được hầu hết thế giới – những quốc gia có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh - công nhận. Các văn phòng ngoại giao của Đài Loan ở các nước thường sử dụng tên "Đài Bắc", nhằm tránh làm mất lòng Trung Quốc.
Phát biểu trên của ông Richard được đưa ra vào thời điểm cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Mối lo ngại đến sau khi gần 150 máy bay Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo chỉ trong bốn ngày kể từ hôm 1-10.
Ông Richard từng là bộ trưởng Quốc phòng Pháp từ năm 1997 đến 2002, dưới thời tổng thống Jacques Chirac.
Giống hầu hết các quốc gia, Pháp không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Bắc Kinh đã kịch liệt phản đối bất kỳ trao đổi quốc tế nào hoặc các dấu hiệu cho thấy Đài Loan là một “quốc gia riêng biệt”.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất, đồng thời xem Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ của họ với Mỹ. Đài Loan khẳng định chỉ người dân của họ mới có thể quyết định tương lai của hòn đảo.