Đó là ý kiến của cựu lãnh đạo Hải quân Phillipine Alexander Pama tại Diễn đàn Trung tâm An ninh Mỹ ở Washington vào năm ngoái.
Trong bài tham luận của mình, Pama – hiện tại là chủ tịch của Hội đồng Giảm nhẹ và Quản lý rủi ro thiên tai Quốc tế (NDRRMC), đã đưa ra các dự báo về quá trình và chiến lược hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang diễn ra tranh chấp.
Ông cảnh báo rằng nếu Mỹ không hành động thì việc kiềm chế Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn vì Bắc Kinh sẽ nắm lấy cơ hội và nhanh chóng trở thành một siêu cường sức mạnh quân sự mới.
Cựu lãnh đạo Hải quân Phillipine Alexander Pama tại một cuộc họp báo về vụ đụng độ của hải quân Phillipine và Trung Quốc vào tháng 4-2012. (Ảnh: Reuters)
Pama cho rằng Trung Quốc muốn chiếm hữu cả của cải lẫn quyền lực. “Với Trung Quốc, quyền lực của nước này không gì hơn là một nền quân sự mạnh, không chỉ ở khâu phòng thủ, hay răn đe mạnh mẽ và hiệu quả, mà còn ở khâu vận dụng, thi hành khi Bắc Kinh mong muốn hay cảm thấy cần thiết, thậm chí là cả hai”, ông lưu ý.
Pama giải thích rằng, những gì mà Trung Quốc đang làm hiện tại chính là biểu hiện rõ ràng của những mưu tính nhằm tận dụng sự giàu có và sức mạnh quân sự lẫn bán quân sự vốn đang phát triển nhằm lấy lại vị thế “những ngày vinh quang” tại khu vực.
Một ví dụ cho điều này là sự đối đầu giữa Hải quân Phillipines và thuyền tuần tra Trung Quốc vào tháng 4-2012 tại Panatag Shoal ngoài khơi bờ biển Zambales.
Tàu đánh cá Trung Quốc vây ngoài đảo Trường Sa. (Ảnh: indopacificreview)
Sau sự kiện ấy, Trung Quốc đã áp đặt ưu thế quân sự của mình tại Panatag, chiếm khu vực này. Theo Pama, đây là hành động vi phạm thỏa thuận bằng miệng do Mỹ làm trung gian giữa Trung Quốc và Phillipines về việc rút tất cả tàu khỏi khu vực tranh chấp.
“Hiện nay, Trung Quốc đang dùng cùng một chiến thuật như thế tại Ayungin Shoal, một lãnh thổ khác của Phillipines ngoài tỉnh Palawan,” Pama viết trong bài.
Ông chỉ ra lý do thực tế và những lợi ích tiềm năng mà Trung Quốc mong muốn có được nếu Trung Quốc độc chiếm được Biển Đông.
Theo Pama, Trung Quốc cần nguồn tài nguyên biển cho an ninh lương thực, cũng như nguồn dầu dự trữ, trầm tích tự nhiên lớn tại biển Đông.
Trong yêu sách đường 9 đoạn bất hợp pháp mà nước này gửi đến Liên Hiệp Quốc, họ tuyên bố chủ quyền 90% lãnh hải đang tranh chấp, bao gồm các phần lãnh thổ rõ ràng thuộc về Phillipines, Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), cho phép một nước có vùng kinh tế trong khoảng cách 322km từ bờ biển.
Trung Quốc cũng có mặt trong những nước đã ký Công ước về Luật biển, nhưng từ chối tuân thủ theo.
Tuần trước, Mỹ đã gửi một máy bay giám sát đến tuần tra trên đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trong vùng biển tranh chấp. Hải quân Trung Quốc cảnh báo và yêu cầu chiếc máy bay này phải rời xa khu vực Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.
Pama cho biết thêm giá trị thương mại hàng hải qua Biển Đông đáng giá chừng 5,3 tỉ USD. Khu vực này có tầm quan trọng chiến lược cho phòng thủ quốc gia và là bàn đạp cho các hoạt động hải quân cần thiết để thống trị hàng hải trên Thái Bình Dương và toàn cầu.