Trung Quốc dùng đối thoại ngăn cản COC

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) tuyên bố TQ sẵn sàng làm việc với ASEAN để xúc tiến Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Sự thật sau tuyên bố này là gì?

Tàu đổ bộ tấn công USS Peleliu của Mỹ trên đường đến Hawaii tham gia tập trận. Ảnh: WASHINGTON POST

Phát biểu trên kênh truyền hình ABS-CBN ngày 25-6, GS Richard Heydarian ở ĐH Ateneo De Manila (Philippines) nhận định TQ sẵn sàng tham gia đối thoại chỉ nhằm tỏ ra không lẩn tránh ngoại giao hay làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế TQ chưa sẵn sàng ràng buộc vào bất kỳ nguyên tắc pháp lý nào.

Điều cần chú ý là ý đồ của TQ muốn sử dụng đối thoại để ngăn cản các nước thành viên ASEAN đoàn kết và xây dựng thành công COC.

Theo GS Richard Heydarian, hiện nay TQ đang tìm cách vô hiệu hóa thái độ phản đối của các nước ASEAN đối với tuyên bố chủ quyền của TQ. Ông cho rằng có một giải pháp là các nước sáng lập ASEAN như Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia cần thảo luận một lập trường thống nhất riêng trong ASEAN.

Ông nhận định chuyến thăm Nhật hôm 24-6 của Tổng thống Aquino là chuyến thăm mà Nhật và Philippines cùng thắng bởi chuyến thăm đã chứng tỏ hai nước đang tìm cách giảm căng thẳng ngoài khuôn khổ ASEAN.

Ông cho rằng nếu có quốc gia nào ở Đông Á đủ nguồn lực và sẵn sàng đẩy lùi TQ thì chỉ có thể là Nhật. Nếu ủng hộ Nhật đóng vai trò chủ động hơn trên biển Đông, các nước đã gửi tín hiệu rõ ràng rằng TQ không thể thúc đẩy tuyên bố chủ quyền mà không trả giá về chiến lược.

Trong khi đó, nhận định về sự kiện TQ tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2014 (RIMPAC) do Mỹ tổ chức ở Hawaii, GS James Holmes ở ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ ghi nhận TQ muốn cải thiện quan hệ quân sự với các nước nhưng niềm tin đối với TQ sẽ không khôi phục, căng thẳng trên biển sẽ không giảm.

Trả lời hãng truyền thông quốc tế Deutsche Welle (Đức) hôm 23-6, GS James Holmes phân tích Mỹ mời TQ tham gia cuộc tập trận RIMPAC vì hai lý do:

- Mỹ muốn lôi kéo TQ trở thành thành viên có trách nhiệm trong duy trì tự do hàng hải. Để đạt được mục đích đó, Mỹ tin rằng nên cùng TQ phát triển khả năng phối hợp và xây dựng niềm tin hợp tác.

- Nếu TQ tiếp tục tham gia các cuộc tập trận như thế trong tương lai cũng như tham gia các hoạt động trao đổi quân sự đa quốc gia, hai nước sẽ gắn kết nhau hơn và căng thẳng sẽ giảm bớt.

Về phía TQ, TQ tham gia RIMPAC vì ba lý do: TQ không muốn đối đầu với Mỹ và cuộc tập trận là cơ hội để hai nước cùng làm việc với nhau; TQ muốn đánh bóng uy tín của một quốc gia có biển; hải quân TQ có cơ hội học hỏi chiến thuật, kỹ thuật, cách vận hành của hải quân Mỹ.

Dù vậy, GS James Holmes nhận định dù TQ tham gia cuộc tập trận của Mỹ thì tình hình trên biển Hoa Đông và biển Đông vẫn không thay đổi. TQ vẫn tiếp tục hung hăng gây hấn trong khi Mỹ không muốn tự do hàng hải và không phận các khu vực trên bị đe dọa.

Nói chung, quan hệ Mỹ-Trung còn nhiều mắc mứu và một cuộc tập trận kéo dài vài tuần không thể giải quyết được gì hết.

Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014 là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, kéo dài từ ngày 26-6 đến 1-8 tại Hawaii (Mỹ) với 23 nước tham gia và ba nước quan sát viên. Năm nay là lần đầu tiên TQ tham gia cuộc tập trận RIMPAC với bốn tàu và 1.100 binh sĩ.

***

Tiêu điểm

66,4%

số người được hỏi ở Hàn Quốc cho rằng TQ trỗi dậy là mối đe dọa quân sự đối với Hàn Quốc, trong đó 45% nghĩ rằng hành động của TQ đối với các nước láng giềng (Nhật, Philippines, Việt Nam…) là nguyên nhân họ nghĩ như vậy. Thăm dò do Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) và Công ty Research and Research (Anh) thực hiện đối với 1.000 người. Kết quả được công bố ngày 24-6.

 

DUY KHANG - ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm