Cựu Thứ trưởng An ninh Mã Kiện.
Theo thông tin trên tạp chí Tài Tân của Trung Quốc, nhân viên điều tra vừa tiết lộ nhiều chi tiết liên quan đến cuộc sống xa hoa của cựu Thứ trưởng Bộ An ninh Mã Kiện. Bởi ông Mã Kiện sở hữu 6 biệt thự tại những khu vực đắt nhất ở thủ đô Bắc Kinh để sống với 6 bồ nhí cùng 2 con trai ngoài giá thú. Và 2 trong số 6 bồ nhí là người đang làm việc tại các đơn vị của Bộ An ninh.
Hơn 1 tháng trước (25/2), Tân Hoa xã cho biết, ông Mã Kiện đã bị bãi miễn tư cách Ủy viên Ủy ban Chính hiệp và quyết định này được đưa ra sau khi Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương thông báo (16/1), cựu Thứ trưởng An ninh đang bị điều tra vì những vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.
Tuy chỉ là Thứ trưởng, nhưng vụ bắt giữ ông Mã Kiện được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi ông Mã Kiện không những được coi là trùm tình báo tại Trung Quốc, mà từng được dư luận đồn đoán sẽ thay Bộ trưởng Bộ An ninh Cảnh Huệ Xương. Ngoài ra, cựu Thứ trưởng Mã Kiện còn là quan chức an ninh cao nhất bị bắt sau bê bối của cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang.
Trước khi trở thành Thứ trưởng An ninh (năm 2006), ông Mã Kiện từng phụ trách Cục 10, chuyên quản lý các tổ chức nhà nước, nhân viên và lưu học sinh Trung Quốc ở nước ngoài, và phát hiện các mục tiêu phản động ở nước ngoài.
Theo tờ South China Morning Post, ông Mã Kiện bị bắt vì bị cáo buộc tham nhũng và có liên quan với ông Lý Hữu, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Công nghệ Phương Chính (Founder Group) thuộc sở hữu của Trường Đại học Bắc Kinh, người bị cáo buộc đứng sau thao túng các vụ giao dịch chứng khoán có lợi nhuận khủng được thực hiện bởi một trong những thân nhân của cựu Thứ trưởng An ninh.
Được biết, Tập đoàn Công nghệ Phương Chính từng có tranh cãi với Beijing Zenith, hãng phát triển bất động sản kiêm cổ đông lớn thứ 2 trong công ty chứng khoán thuộc Phương Chính. Và do những bất đồng không được giải quyết nên Beijing Zenith công khai cáo buộc những nhà điều hành thuộc Tập đoàn Công nghệ Phương Chính đã giao dịch nội gián và chiếm đoạt tài sản của công ty lên tới vài tỉ nhân dân tệ.
Ngày 6/1, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Công nghệ Phương Chính Ngụy Tân, Giám đốc điều hành Lý Hữu và Giám đốc Du Lệ đã bị bắt để điều tra.
Theo tờ Apple Daily, 2 năm trước (tháng 4/2013), ông Lý Hữu đã thông qua ông Quách Văn Quý, người thao túng sàn chứng khoán Chính Tuyền để làm quen với ông Mã Kiện. Và sau nhiều lần hối lộ với một khoản tiền mặt lớn (qua ông Quách Văn Quý), ông Lý Hữu trở nên thân thiết với ông Mã Kiện.
Về phần mình, ông Quách Văn Quý đã phất lên nhờ những dự án kinh doanh mờ ám, nhưng vẫn được thông qua nhờ sự bảo kê của ông Mã Kiện và hiện đã đào tẩu ra nước ngoài cùng khối tài sản lớn. Ngoài những cáo buộc kể trên, ông Mã Kiện còn bị coi có quan hệ mật thiết với cựu Chánh văn phòng Trung ương đảng, và ông Lý Hữu từng hối lộ một khoản tiền lớn cho vợ con ông Lệnh Kế Hoạch. Do đó, dư luận cho rằng, cuộc điều tra nhằm vào ông Mã Kiện có thể xuất phát từ mối quan hệ với gia đình ông Lệnh Kế Hoạch.
Được biết, kể từ khi được thành lập năm 1983 đến nay, Bộ An ninh hiện có 4 đời Bộ trưởng và cách đây hơn 2 năm (chiều 16/3/2013), tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12, các đại biểu đã bầu ông Cảnh Huệ Xương tiếp tục giữ cương vị Bộ trưởng Bộ An ninh. Điều này đồng nghĩa với việc, kể từ ngày 30/8/2007 đến nay, ông Cảnh Huệ Xương vẫn là Bộ trưởng Bộ An ninh thứ tư.
Người đề xuất thành lập Bộ An ninh là Bộ trưởng Công an Lưu Phục Chi và người đầu tiên được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ An ninh là ông Lăng Vân (sinh tháng 6/1917, tại Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang). Người được bổ nhiệm thay thế Bộ trưởng Lăng Vân lãnh đạo Bộ An ninh là ông Giả Xuân Vượng (sinh tháng 5/1938, tại Bắc Kinh). Và người tiền nhiệm của Bộ trưởng Cảnh Huệ Xương là ông Hứa Vĩnh Dược (sinh tháng 7/1942, tại huyện Trấn Bình, thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam).
Sau khi thông báo quyết định kỷ luật đối với ông Mã Kiện, ngày 30/1, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Trung Quốc lại thông báo khai trừ đảng đối với Thiếu tướng Thái Quảng Liêu, nguyên Phó Giám đốc, Phó Bí thư đảng ủy Công an tỉnh Quảng Đông - bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Trước đó (30/10/2014), ông Thái Quảng Liêu đã bị điều tra, nhưng Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật của Quân ủy Trung ương không nói rõ lý do cụ thể. Được biết, ông Thái Quảng Liêu đã lợi dụng chức vụ để trục lợi và nhận hối lộ, tham gia các hoạt động kinh doanh trái phép, nhận nhiều món quà là tiền mặt, cùng đồ vật có giá trị khác.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu