Diễn đàn Xiangshan, một diễn đàn cấp cao để thảo luận các vấn đề an ninh và quốc phòng, được Trung Quốc tổ chức vào tháng 9 hoặc đầu tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, diễn đàn Xiangshan này sẽ không được tổ chức trong năm nay, theo tiết lộ của một quan chức thuộc Học viện Khoa học quân sự của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) - đơn vị bảo trợ chính cho diễn đàn này.
Diễn đàn Xiangshan lần thứ 7 được tổ chức vào tháng 10-2016. Ảnh: SCMP
Diễn đàn Xiangshan được xem là một “kiến trúc an ninh mới” của châu Á do Bắc Kinh tổ chức nhằm cất tiếng nói về quan điểm của Trung Quốc đối với các tranh chấp trong khu vực. Sự kiện này được coi là đối trọng với Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh khu vực được tổ chức ở Singapore. Chính điều này đã khiến diễn đàn bị tranh cãi gay gắt.
"Nguyên nhân chính là Học viện Khoa học Quân sự sẽ trải qua một sự tái cơ cấu lớn và thay đổi lãnh đạo, một phần của cuộc đại tu quân đội đang diễn ra. Đại hội đảng lần thứ 19 cũng sẽ diễn ra cuối năm nay", quan chức quân sự giấu tên cho biết.
"Có rất nhiều thứ không thể biết chắc ở học viện quân sự. Không ai biết giám đốc học viện sẽ là ai, người nào sẽ xử lý các vấn đề đối ngoại, bộ phận nào sẽ bị cắt bỏ", quan chức này nói.
Hồi đầu năm nay, SCMP đưa tin Đại tướng Thái Anh Đĩnh (Cai Yingting), giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, nằm trong số 50 quan chức cấp cao phải rời vị trí trong cuộc cải tổ quân đội quy mô lớn của Bắc Kinh.
Một nguồn tin thân cận với PLA cho biết quyết định hủy bỏ tổ chức diễn đàn Xiangshan được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra cách đây ba tuần. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cơ quan thường hỗ trợ tổ chức diễn đàn, bận rộn với nhiều sự kiện lớn trong tháng 9 như Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Diễn đàn Xiangshan sẽ được tổ chức vào năm sau, nguồn tin cho biết.
Diễn đàn Xiangshan diễn ra lần đầu năm 2006 để thảo thuận về an ninh và quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương. Ban đầu diễn đàn được tổ chức hai năm một lần và sau đó được nâng cấp thành sự kiện thường niên từ năm 2014.
Một đại tá về hưu của quân đội Trung Quốc nói Bắc Kinh muốn giảm bớt vai trò quân sự trong năm nay để xoa dịu các nước láng giềng, với hy vọng nhận được sự ủng hộ cho sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Năm ngoái, vụ tranh cãi giữa Trung Quốc và Singapore về phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) đối với yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Bắc Kinh ở biển Đông cùng với quyết định của Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã phủ bóng đêm lên diễn đàn Xiangshan.